Làng chiếu Định Yên, Đồng Tháp - di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Thứ hai, 11/03/2019, 20:54 GMT+7
Huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp không chỉ được biết đến như là quê hương của những cánh đồng lúa mênh mông, những vườn cây trù phú, mà nơi đây còn là “cái nôi” của nghề dệt chiếu truyền thống nổi tiếng khắp nơi – làng chiếu Định Yên.

Nhà nhà dệt chiếu

Làng chiếu Định Yên được hình thành cách đây hàng trăm năm, tập trung chủ yếu ở 02 xã Định An và Định Yên, nhất là Định Yên - nơi mà 70% hộ dân theo nghề làm chiếu, tập trung ở các ấp: An Lợi A, An Lợi B, An Khương và An Bình. Qua bàn tay khéo léo của mình, hàng năm các hộ dân nơi đây đã sản xuất ra hàng triệu sản phẩm chiếu có hoa văn rực rỡ, mịn màng và bền chắc được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Làng chiếu Định Yên luôn đông vui, tấp nập với các hoạt động gia công và mua bán chiếu

Chúng tôi đến Định Yên vào một ngày mưa rả rít. Tuy nhiên, không phải vì cái thời tiết lúc nắng, lúc mưa này mà làm cho không khí hoạt động sản xuất của người dân nơi đây bớt đi phần nhộn nhịp.

Thật ngỡ ngàng và thích thú khi nơi này lúc nào cũng đầy màu sắc, từ trong nhà ra ngoài ngõ với những sợi lác xanh, đỏ, vàng, trắng, tím v.v.. cùng với tiếng cười nói xôn xao của những chàng trai, cô gái hoà với tiếng cộc cạch của chiếc máy dệt vang xa từ đầu ngõ. Chúng tôi cảm nhận được sự ấm áp, gần gũi của những người dân nơi đây, ở họ luôn toả ra sự cởi mở với niềm say mê công việc truyền thống mà cha ông bao đời đã truyền lại.

Chúng tôi ghé thăm gia đình bà Trần Thị Hoa, ấp An Lợi A trong lúc các thành viên đang khẩn trương các công đoạn cuối cùng để cho ra một chiếc chiếu. Bà Hoa cho biết, hiện gia đình bà vẫn sử dụng khung dệt bằng tay, mỗi ngày dệt được từ 04-06 chiếc chiếu, với giá 22.000 đồng/chiếc, trừ chi phí thu nhập bình quân cũng được 80.000 đồng.

Với khung dệt thủ công này, mỗi ngày 02 chị em Thuý Loan và Mỹ Huyền 
dệt được 02 đôi chiếu

Hiện nay, đa số các hộ dân trong nghề đều đã trang bị máy dệt, năng suất cao hơn rất nhiều so với khung dệt bằng tay. Tuy nhiên, trước xu thế công nghiệp hoá ngày càng cao, chúng tôi vẫn muốn giữ lại nét truyền thống dệt bằng tay mà cha ông đã truyền lại– bà Hoa chia sẻ thêm.

Rời nhà bà Hoa, chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Nương, ấp An Lợi A với hơn 30 năm trong nghề. Tiếp xúc với chúng tôi, bà Nương cười giòn, bàn tay vẫn thoăn thoắt xỏ từng sợi lác và vui vẻ chia sẻ về lịch sử hình thành làng nghề và các công đoạn để hoàn thành một chiếc chiếu Định Yên nổi tiếng.

Theo bà Nương, nghề dệt chiếu đã tồn tại hàng trăm năm tuổi, qua bao giai đoạn thăng trầm, nó vẫn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.

Với 03 loại chiếu chủ yếu là: Con cờ, Trà niên (chiếu bông) và Ốc trớn; chiếu Định Yên ngày nay không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu qua nhiều nước.

Các công đoạn xử lý lác trước khi dệt

Cũng theo bà Nương, nghề dệt chiếu đòi hỏi sự điêu luyện, tinh xảo và những bí quyết riêng để tạo ra những sản phẩm chiếu bền, đẹp. Để hoàn thành một chiếc chiếu với hình ảnh, màu sắc sắc sảo và ít phai, phải mất khá nhiều công đoạn.

Trước tiên là chọn sợi lác về nhuộm phẩm với đủ loại màu xanh, đỏ, tím, vàng... Để màu nhuộm chính xác, khó phai thì phải nấu phẩm màu lên, nhúng từng chùm lác nhỏ vào, tùy theo độ đậm nhạt mà có thể nhúng 2-3 lần trở lên. Lác nhuộm phẩm xong phải phơi cho đủ nắng, không quá gắt vì dễ giòn gãy, cũng không quá dịu vì dễ ẩm mốc.

Để dệt một chiếc thường cần có 02 người, ngày nay, với những loại máy dệt hiện đại, chỉ cần 01 người để xỏ lác là đủ - bà Nương cho biết thêm.

Theo nhiều vị cao niên cho biết, mặc dù nghề chiếu hình thành hàng trăm năm nay, tuy nhiên không ai biết ông tổ của nghề là ai.

Vào ngày 27, 28 tháng Chạp âm lịch hàng năm, các khung dệt chiếu được thu dọn gọn gàng, lau chùi sạch sẻ, thợ chiếu nghỉ ăn Tết, đến khoảng mùng 7, mùng 8 tháng Giêng thì cúng ra nghề - ông Phan Văn Khải, ấp An  Lợi A chia sẻ.

 “Chợ ma” đã đi vào huyền thoại

Trước đây, làng chiếu Định Yên được biết đến nhiều nhất là Chợ chiếu (chợ ma), do chợ nhóm vào ban đêm, kéo dài khoảng 02 giờ đồng hồ rồi tan chợ. Thời điểm bắt đầu nhóm chợ không ổn định, đêm hôm sau sớm hơn hôm trước 01 giờ. Đây là một nét văn hoá truyền thống đặc sắc của người Định Yên, tuy là chợ nhưng chợ chiếu không giống với bất kỳ loại chợ nào khác trên cả nước.

Chợ chiếu Định Yên ngày nay

Lý giải nguyên nhân chợ chiếu chỉ bán ban đêm, ông Trần Văn Nghiệp, ngụ ấp An Lợi A có hơn 50 năm trong nghề cho biết, vì ban ngày người sản xuất bận dệt chiếu, thương lái cũng bận đi mua bán do đó, việc họp chợ chỉ diễn ra vào ban đêm. Tuy nhiên, hiện nay, theo nhu cầu của thị trường, việc dệt chiếu và hình thức mua bán đã có phần thay đổi.

Đến Định Yên hôm nay, chúng ta sẽ không còn thấy không khí nhộn nhịp của “chợ ma” ngày nào, nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống giao thông nông thôn đã được đầu tư khá hoàn chỉnh, các phương tiện chuyên chở có thể đi sâu vào tận thôn, xóm để thu mua trực tiếp sản phẩm một cách nhanh chóng và tiện lợi.

Nghề dệt chiếu tạo ra nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình, giải quyết việc làm, giúp ổn định về mặt kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của bà con nông thôn. Tuy thăng trầm, vất vả nhưng người dân Định Yên với nghề cha truyền con nối vẫn một lòng nuôi dưỡng, theo đuổi để nghề dệt chiếu nơi đây trở thành làng nghề truyền thống có hơn trăm năm tồn tại và phát triển này.

Manh chiếu, chiếc chiếu, đôi chiếu từ xa xưa đã gắn liền với đời sống người Việt. Hơn thế, nó đã trở thành biểu tượng cho tình cảnh, tình cảm của bản thân, gia đình (manh chiếu bó thân, tình chăn chiếu) hay vị thế xã hội (chiếu trên, chiếu dưới v.v.). Chính những giá trị vật chất và tinh thần vô vùng đặc sắc này mà trong tháng 9 năm 2013, người dân Định Yên nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung vinh dự đón nhận một tin vui đó là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận làng nghề dệt chiếu Định Yên là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chúng tôi rời làng chiếu Định Yên cũng là lúc một cơn mưa bắt đầu nặng hạt, tuy nhiên không khí lao động nhộn nhịp đầy sinh khí của người dân nơi đây như cuốn hút, níu kéo bước chân chúng tôi trước cái lạnh của cơn mưa cuối hạ…

Ý kiến bạn đọc