Xoài Cao Lãnh, Đồng Tháp

Thứ năm, 12/11/2015, 20:16 GMT+7

Không phải ngẫu nhiên Cao Lãnh được xướng danh là “vương quốc của xoài” hay được khen ngợi hết lời qua câu ca dao “Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh/Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”, mà vì chính cái hương vị đậm đà khó quên đã in sâu vào lòng người. Ngày nay, trồng xoài không chỉ giúp quảng bá hình ảnh của địa phương mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Lên đời nhờ … “GAP”  

               xoai_1

Chúng tôi tìm đến Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (nằm trên địa bàn xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh) trong thời điểm nhà vườn bắt đầu thu hoạch. Hợp tác xã có 24 xã viên, sản xuất trên diện tích 40 ha. Hầu hết hộ trồng xoài ở đây đều áp dụng kỹ thuật bao trái và nhiều nhà vườn đã ngày càng thích ứng với mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Theo chân ông Trần Long Châu – Giám đốc Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, chúng tôi có dịp tham quan những vườn xoài xanh mướt, nối tiếp là những vườn xoài đang ra hoa và oằn trái, thấp thoáng bóng dáng của nhà vườn đang cần mẫn vun trồng. Ông Châu bảo rằng, đây là những trái xoài “an toàn” vì được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường để xuất khẩu.

Nếu như trước đây, nhà vườn chỉ dựa vào kinh nghiệm, tập quán hay nhờ vào sự hỗ trợ của thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học và các chất kích thích thì ngày nay, việc trồng xoài phải dựa vào quy trình sản xuất an toàn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Sở hữu vườn xoài rộng 1,5 ha đang cho trái, ông Võ Hữu Hiền - xã viên Hợp tác xã xoài Mỹ Xương cho biết, từ khi sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap đã giảm được khoảng 80% các loại hoá chất. Thay vì phải tốn từ 8 - 10 lần phun thuốc bảo vệ thực vật mà sản lượng chỉ đạt từ 15 - 16 tấn/ha thì hiện tại, chỉ cần 1 - 2 lần thuốc nhưng sản lượng lại đạt đến 20 tấn/ha.

Một lợi ích nữa là khi áp dụng kỹ thuật bao trái không bị côn trùng gây hại nên trái xoài rất đẹp và bán được giá cao. Mỗi ký xoài sản xuất theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn có giá cao hơn từ 5.000 – 8.000 đồng và luôn hút hàng, trong khi xoài không đạt chuẩn có khi không tiêu thụ được.

“Cháy” hàng vào mùa nghịch

Vốn thơm ngon nổi tiếng cộng với ngày nay, việc áp dụng các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP đã trở nên phổ biến nên xoài Cao Lãnh đã được thị trường thế giới đón nhận, sản lượng xuất khẩu mỗi năm lên đến hàng trăm tấn.

Vào những ngày thu hoạch, không khí nơi đây rộn rã chẳng khác gì ngày hội. Người thì lo thu hoạch, người thì cẩn thận xếp những trái xoài xanh mơn mởn vào cần xé rồi cảnh từng đoàn xe chở xoài đến điểm tập kết v.v.. Dù mồ hôi lấm tấm trên mặt, ướt cả áo nhưng ai cũng hớn hở với thành quả của mình.

Hối hả là vậy nhưng thực tế, lượng xoài bà con sản xuất không đủ đáp ứng yêu cầu tiêu thụ - đặc biệt là vào mùa nghịch - bởi hiện nay, ngoài 02 đại lý ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Hợp tác xã còn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài thông qua một số Công ty, với đơn đặt hàng từ 100 – 200 tấn/tháng.

Đi tìm hiểu sâu về nguyên nhân thiếu xoài trong mùa nghịch, các nhà vườn đều cho biết thời điểm này xử lý xoài ra hoa, đậu trái khó hơn vụ chính và đương nhiên chi phí xử lý cũng cao hơn. Tuy nhiên, bù lại là giá cả và lượng hàng hoá tiêu thụ vào mùa nghịch luôn ổn định ở mức cao.

Do đó, vấn đề đặt ra là muốn cây xoài phát triển bền vững, đòi hỏi nhà vườn phải phân phối mốc thời gian sao cho xoài trổ hoa, ra trái hợp lý, áp dụng đúng kỹ thuật và tiêu chuẩn an toàn, góp phần đảm bảo duy trì nguồn hàng ổn định để cung cấp cho thị trường “mọi lúc mọi nơi”.  

xoai_

Theo ông Phan Kim Sa – Phó Giám đốc Sở Công Thương thì do sản xuất còn nhỏ lẻ, việc liên kết ngang thực hiện chưa tốt nên khó đáp ứng được nhu cầu của thị trường về sản lượng, chất lượng, độ đồng đều của sản phẩm, thời gian giao hàng cũng như điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm v.v..

Hướng đến sản xuất rải vụ

Nhằm tăng lượng xoài để đáp ứng yêu cầu của các nhà tiêu thụ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh đã hỗ trợ Hợp tác xã liên kết với các nhà vườn cùng dự án vườn cây ăn trái ở ven Quốc lộ 30 như: thị trấn Mỹ Thọ, Mỹ Hội, Bình Hàng Trung, Bình Hàng Tây v.v. để sản xuất xoài đạt chuẩn và làm vệ tinh cung ứng xoài chất lượng cao.

Thông qua Hội Làm vườn thành phố Cao Lãnh, Hợp tác xã cũng vận động và hướng dẫn kỹ thuật bao trái cho các hộ làm vườn ở các xã có diện tích trồng xoài lớn để sản xuất xoài theo hướng an toàn.

Ngoài thực hiện liên kết thì một ý tưởng mới đang được đặt nhiều kỳ vọng là Hợp tác xã sẽ vận động các hộ trồng xoài tham gia xây dựng kế hoạch sản xuất rải vụ, dự kiến sẽ khởi động trong năm 2015 để đảm bảo lượng xoài phân bổ đều trong năm, không tập trung thu hoạch rộ vào chính vụ như hiện nay - ông Trần Long Châu, Giám đốc Hợp tác xã xoài Mỹ Xương cho biết.

Theo đó, với kinh nghiệm của mình, những hộ trồng xoài giỏi sẽ tập trung sản xuất từ tháng 6 – 10 để có thể ứng phó với thời tiết khó khăn do mưa bão. Thời điểm ít mưa từ tháng 2 – 5 là những hộ sản xuất khá, còn lại sẽ sản xuất từ tháng 11 đến tháng 01 năm sau vì đây là thời điểm vào vụ nên dễ thực hiện.

Những quyết tâm trên của Hợp tác xã nhằm tạo nên vùng nguyên liệu vững chắc, đạt chuẩn an toàn, góp phần quảng bá và giữ vững thương hiệu đã dầy công xây dựng. Tuy nhiên, để đi đến thành công là cả chặng đường dài, đòi hỏi nhà vườn phải liên kết lại, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất để tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng.

Ý kiến bạn đọc