1. Bún cá Cao Lãnh
Bún cá là món ăn đơn giản xuất hiện ở nhiều vùng miền Việt Nam, nhưng ở miền Tây, món ăn này lại mang hương vị đặc trưng khác hẳn. Đối với những nơi khác đây chỉ là một món bình dị, nhưng ở miền Tây món ăn này được xem là đặc sản bởi trong bát bún nó chứa đựng đầy màu sắc của một miền quê. Món ăn này chính là một món ăn phổ biến ở khu miền Tây đặt biệt là ở Cao Lãnh
Bún cá tại TP.Cao Lãnh
2. Chuột đồng Cao Lãnh
Chuột đồng miền Tây thường sống nhiều trên những cánh đồng lúa. Chúng đào hang ở bờ ruộng làm nơi trú ẩn, sinh sôi và phát triển. Chuột đồng xuất hiện quanh năm tuy nhiên đông đúc nhất là vào mùa nước nổi. Lúc này nguồn thức ăn của chuột chủ yếu là lúa và các loại cây mầm non nên chúng rất to, lông bóng mượt, thịt đặc biệt thơm ngon.
Chuột quay lu- Đặc sản Cao Lãnh
Những con chuột béo ú sau khi được bắt về sẽ được đem đi thui vàng rồi làm sạch, để cho ráo. Sau đó thịt chuột được ướp cùng với nước mắm loại ngon và các gia vị thông thường, để khoảng một tiếng cho ngấm đều gia vị rồi đem chiên trong chảo dầu sôi.
Trong quá trình chiên chuột người nấu thường để lửa liu riu cho đến khi toả mùi thơm và chuyển màu vàng để thịt chuột được giòn mà không bị khét. Món chuột đồng chiên nước mắm sẽ ngon hơn nếu chúng ta ăn kèm với xoài xanh bào sợi, muối tiêu chanh hoặc nước mắm me tùy theo khẩu vị của từng người.
3. Cá lóc nướng trui
Về miền tây mà không thưởng thức cá lóc nướng trui - đặc sản nổi danh vùng sông nước - thì thật là đáng tiếc. Tham gia những buổi bắt cá mương, nướng cá bên đồng sẽ cho bạn những trải nghiệm thú vị nhất.
Cá lóc ngon nhất có kích cỡ khoảng 400 – 500g là đủ lớn và rất dễ nướng. Cách làm vô cùng đơn giản là bạn hãy để nguyên cả con và không cần cạo vảy. Sử dụng que tre để lụi cả con cá rồi đặt lên bếp nướng. Khi nướng cần để cá cháy khét song bạn cần trở mặt cá cho thật đều và sử dụng chổi để thoa lớp mỡ hành thơm ngậy lên phần mình của cá.
Cá lóc nướng trui
Đợi đến khi phần mỡ chảy xuống lửa rồi thì bạn có thể dùng dao cạo sạch vảy. Lúc này, phần thịt cá thơm ngon sẽ lộ ra. Một lưu ý nhỏ là bạn có thể lấy bộ lòng cá dầm với nước mắm, me, đường, tỏi, ớt để tạo nên nước chấm cá thơm ngon ngất ngây.
Cá lóc nướng xong có mùi thơm rất hấp dẫn, mùi thơm của cá lóc, mùi thơm của rơm, của đồng quê không lẫn đi đâu được.
Cá nướng đơn giản nhưng người châm bếp phải thật khéo léo, vì rơm cháy quá lâu sẽ làm cá khét, thịt cá khô mất đi vị ngon ngọt của cá; hoặc nếu không đủ lửa thì cá sẽ không chín.
4. Lẩu mắm
Là một món ăn dân dã đặc trưng và phổ biến ở Đồng Tháp nhất định phải thử một lần. Du lịch Đồng Tháp mùa nước nổi không chỉ là mùa của bông điên điển mà còn là mùa hoa súng. Người dân nơi đây thường chọn những bông súng trắng, cọng nhỏ và mọc ở đìa, bởi đây mới là những bông súng mềm, ngon và ngọt. Còn mắm, họ sẽ lấy loại mắm đỏ, lọc bỏ xác và cho vào nồi nấu chung với nước dừa, thịt ba chỉ, cá rô đồng, cá lóc và sả ớt. Khi nào nồi mắm sôi, người ta sẽ vớt bọt vài lần rồi bỏ ra để ăn nóng cùng bông súng và một số loại rau sống khác.
Lảu mắn
Vị mắm kho đậm đà, hơi cay kết hợp với vị ngọt và giòn của bông súng đã tạo thành một món ăn dân dã tuyệt vời cho vùng Đồng Tháp mùa nước nổi.
5. Lẩu cá linh bông điên điển
Đến miền Tây mà không thưởng thức lẩu cá linh bông điên điển thì quả thật đáng tiếc. Đây được xem là đặc sản nổi tiếng của người miền Tây mùa nước nổi, bởi cá linh chỉ xuất hiện vào khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11.
Cách chế biến lẩu cá linh bông điên điển cũng khá đơn giản, thế mà hương vị lại quyến rũ ngây ngất lòng người. Để có một nồi lẩu ngon đúng điệu, phải chọn loại cá linh thật tươi, làm sạch và để ráo nước. Thêm nhiều nguyên liệu đi kèm khác như nước dừa tươi, dứa, sả, tiêu, ớt, tỏi... nồi lầu chắt chiu hương đồng gió nội giống như bản ca của đồng quê sông nước.
Lẩu cá linh bông điên điển
Cá linh nhỏ nên rất nhanh chín, chỉ cần bỏ vào nồi lẩu nhanh thôi là đã có thể thưởng thức được rồi, điên điển gặp nước là đã mềm, ban đầu ăn có vị chát chút xíu nhưng ngay sau đó là vị ngọt thanh dịu nhẹ. Thực khách có thể ăn kèm với bún hoặc cơm trắng.
6. Hủ tiếu Sa Đéc
Hủ tiếu là một trong những món ngon đặc sản nổi tiếng và phổ biến ở Đồng Tháp. Có thể bạn đã ăn món này ở rất nhiều nơi, nhưng đừng vì thế mà bỏ qua nó khi du lịch Đồng Tháp mùa nước nổi.
Hủ tiếu Sa Đéc có sợi mềm, không bở, không dai, màu trắng sữa và rất thơm. Đặc biệt, nước dùng rất thơm, ngọt thanh nhưng không quá béo ngậy. Khi nào khách gọi, đầu bếp sẽ cho hủ tiếu vào tô, rắc chút thịt nạc băm, chả vàng, tim, gan… cùng hành lá và ngò băm nhuyễn lên trên rồi mới chan nước dùng vào.
Mỗi phần hủ tiếu được phục vụ kèm đĩa giò, quẩy, rau sống, xì dầu, ớt sừng trâu xắt lát ngâm giấm. Khi ăn, thực khách trộn tất cả các nguyên liệu lại rồi từ từ thưởng thức, sẽ cảm nhận được hương vị tuyệt vời của hủ tiếu Sa Đéc. Ngoài ra, đừng bỏ qua món hủ tiếu khô độc đáo, lạ miệng nữa nhé.
Hủ tiếu Sa Đéc
7. Bánh xèo
So với các nơi khác, bánh xèo miền Tây có thêm nước cốt dừa tạo nên vị béo và mùi thơm đặc trưng. Để làm ra chiếc bánh màu vàng, người dân trộn thêm chút nghệ vào bột, khuấy thật đều tay. Bánh cỡ lớn sau khi đổ lên chảo, được rắc phần nhân tôm, thịt đầy đặn cùng đậu xanh tạo vị bùi. Mỗi chiếc có giá 30.000 – 50.000 đồng.
Bánh xèo Cao Lãnh
8. Xoài Cao Lãnh
Nằm bên bờ sông Tiền hiền hoà được phù sa bồi đắp, Cao Lãnh là vùng đất màu mỡ nổi tiếng xưa nay với nhiều loại trái cây đặc sản chất lượng cao. Trong đó nổi tiếng vẫn là xoài mà câu ca dao đã ghi sâu vào lòng người “ Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh. Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân.”
Xoài Cao Lãnh hiện có hai giống chính là xoài cát Chu và xoài cát Hòa Lộc. Khi cầm trên tay quả xoài có phần cuống nhô ra ngoài, trái chín màu ửng đỏ, nếm vào thấy dai và ngọt dịu thì đó là xoài cát Chu. Còn quả có trọng lượng nặng hơn, to và thon dài hơn, thịt thơm hơn thì đó là xoài cát Hòa Lộc.
Xoài Cát Hòa Lộc Cao Lãnh
Nếu có dịp đi du lịch Đồng Tháp, ghé lại Cao Lãnh, hoặc vô tình bắt gặp đâu đó nơi bán xoài Cao Lãnh, các bạn đừng ngại mua và thưởng thức loại xoài tuyệt ngon của vùng đất trù phú này nhé!
9. Quýt Hồng Lai Vung
Nằm ven sông Hậu, được phù sa bồi đắp, đất đai màu mỡ cộng với khí hậu mưa thuận gió hòa, Lai Vung là vùng đất thích hợp để chuyên canh quýt đường, quýt hồng, đặc biệt là giống quýt hồng trái vàng cam láng lẩy, mọng nước, thơm ngon. Quýt đường ra trái, thu hoạch quanh năm, riêng “công chúa” quýt hồng chỉ cho thu hoạch một mùa trong năm, mùa Tết.
-Quýt hồng được trồng tập trung nhiều nhất tại các xã Vĩnh Thới, Tân Phước, Tân Thành và Long Hậu. Với diện tích canh tác gần 2.000 ha, mỗi năm Lai Vung cung cấp cho thị trường Tết từ 35 đến 40 nghìn tấn quýt. Trái quýt hồng Lai Vung có mặt ở nhiều tỉnh, thành, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Điều làm nên thương hiệu cho quýt hồng Lai Vung ngoài chất lượng ngon ngọt, đẹp mắt, là những năm gần đây các nhà vườn ở Lai Vung còn trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP, hạn chế xịt thuốc bảo vệ thực vật, bón phân theo quy trình khiến cây trái ít bệnh, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học-Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền, khiến quýt hồng Lai Vung càng là trái cây đặc sản được ưa chuộng.
Quýt Hồng Lai Vung
Ngoài ra, đặc sản trái cây nổi tiếng của Đồng Tháp còn có nhãn Châu Thành, bưởi Phong Hòa.
10. Các món ăn từ ếch đồng
Mùa nước nổi đã mang đến cho Đồng Tháp rất nhiều món ăn ngon dân dã, trong đó phải kể đến những món ăn ngon từ ếch đồng như: Ếch chiên bơ, ếch xào lăn nước cốt dừa, ếch nướng sả ớt hay nấu cháo ếch….
Vũ nữ chân dài
Ếch vào mùa nước nổi ở Đồng Tháp rất to, béo, đùi căng múp thịt và rắn chắc. Khi chế biến thành món ăn thường rất thơm, ngon và hấp dẫn. Chính vì thế ếch đồng luôn là một trong những món ăn ngon dân dã đặc trưng và hấp dẫn nên thử ăn một lần khi du lịch Đồng Tháp mùa nước nổi.
11. Cơm gói lá sen
Thêm một món ăn đặc sản không thể không nếm thử khi du lịch Đồng Tháp là cơm gói lá sen. Đây là một trong những món ăn cung đình chỉ Đồng Tháp mới có và ngon không đâu sánh bằng.
Cơm được nấu bằng gạo huyết rồng (một loại gạo hạt nhỏ, trong, thon dài và màu đỏ), hạt sen và muối mè bọc trong lá sen rồi đem hấp chín. Khi cơm chín, mở lá sen ra, bạn sẽ thấy hạt sen màu trắng, muối mè màu đen nổi bật trên nền cơm đỏ, rất bắt bắt. Không chỉ vậy, cơm lại rất ngon, càng nhai càng ngọt, bùi và thơm mùi sen.
Cơm gói lá sen
Ngoài ra, bạn cũng hãy để bụng để thưởng thức thêm món cơm rang lá sen nữa nhé. Cơm rang cùng thịt, lạp xường, hạt sen, hạt đậu hà lan, cà rốt, trứng… sau đó bó trong lá và đem ủ nóng, khi nào khách ăn thì sẽ bỏ ra. Vị ngon đậm đà của cơm rang cùng các loại nguyên liệu kết hợp với hương thơm của lá sẽ sẽ làm bạn nhớ mãi không quên món ăn tuyệt vời này.
Sưu tầm.