Với người dân xứ Cao Lãnh, mận Hòa An không chỉ là một loại trái cây đặc sản mà với các bà, các chị, mận Hòa An còn là nguyên liệu độc đáo chế biến ra nhiều món ngon để chiêu đãi bạn bè gần xa.
Những ngày cuối tháng 10 âm lịch, dạo quanh khu hàng me trên đường Nguyễn Thái Học, xã Hòa An, TP.Cao Lãnh sẽ không khó để bắt gặp những vườn mận Hòa An vài chục năm tuổi lủng lẳng những chùm mận chín hồng đung đưa trước gió.
Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một tư liệu chính thống và đầy đủ nào nói về nguồn gốc của cây mận Hòa An, nhưng theo lời kể của các vị tiền bối tại xứ này thì cây mận Hòa An có ở vùng đất ven sông Tiền khoảng hơn 100 năm.
Mặc dù mang danh là mận Hòa An nhưng không phải trồng ở vùng đất nào mận Hòa An cũng có vị thơm ngon đặc biệt.
Mận Hòa An có vị chua ngọt, khi chín có màu hồng đặc trưng, từng chùm lơ lửng trên cây, ai cũng muốn dùng thử mỗi khi đi qua. Khôi phục mận Hòa An chính là lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp của người xưa để lại cho cư dân TP.Cao Lãnh.
Theo kinh nghiệm lâu năm của nhà vườn ở Hòa An thì chỉ có khu vực xung quanh Rạch bà Bướm thuộc địa phận ấp Hòa Long, xã Hòa An thì mận Hòa An mới có hương vị đậm đà nhất.
Dường như, trong tâm khảm của người dân Hòa An ai cũng có tình cảm đặc biệt với món quà quê bình dị này.
Khi được hỏi về cây mận Hòa An, từ những ông bà lớn tuổi cho đến các bạn trẻ ai nấy đều nhiệt tình, vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi và luôn sẵn lòng kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện rất đời thường mà họ đã gắn bó với cây mận xứ này.
Ông La Văn Hùng, một trong những lão nông có tuổi ở làng Hòa An chia sẻ: “Khoảng hơn 40 năm về trước, mận Hòa An là loại cây ăn trái được trồng rất phổ biến ở làng Hòa An, đi đâu cũng thấy toàn mận và mận.
Mỗi năm vào khoảng tháng 10 âm lịch khi tiết trời chớm đông cũng là thời điểm mận Hòa An vào mùa. Lúc xưa mận được đếm thành chục (mỗi chục 16 trái) để bán.
Tới mùa mận, thương lái từ Long Xuyên (An Giang), Mỹ Tho (Tiền Giang) mang ghe tam bản qua mua, cả làng khi vào ngày mùa rất nhộn nhịp. Dù khi ấy giá mận không cao lắm nhưng với người dân quê, đây là một khoản thu nhập kha khá đủ để mua sắm chuẩn bị dịp Tết Nguyên đán”.
Theo nhiều nhà vườn tại đây, mận Hòa An chính hiệu thường có vị chua ngọt rất đặc trưng, trái mận có hình chuông cân đối với màu hồng nhẹ. Không như mận An Phước hay mận Hồng Đào, trái mận Hòa An không có nước nhiều, thịt mận rất ráo và có mùi thơm nhẹ.
Đây cũng là nét đặc trưng khiến cho mận Hòa An có thể chế biến được nhiều món ăn mang đậm hương vị đồng quê. Từ món mứt chua ngọt đem đãi khách ngày Tết cho đến món cá lóc hấp mận đậm đà chiêu đãi bạn hữu phương xa hay chỉ mộc mạc như món cá kho lạt với mận Hòa An…
Tất cả được bàn tay tài hoa của các mẹ, các chị “cách điệu” rất tinh tế. Mới đây, món mận Hòa An hấp cá lóc được tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận trong Top 20 các món ăn ngon và mới lạ Việt Nam năm 2016.
Đây cũng là nguồn động viên để phụ nữ Hòa An có thêm động lực tiếp tục sáng tạo thêm nhiều món ăn độc đáo, góp phần đa dạng thêm các món ăn đặc sản cho quê hương Đồng Tháp.
Sau nhiều đổi thay của quê hương, mận Hòa An không còn là cây trồng được ưu ái như xưa, nhiều vườn mận sum xuê, trải dài khắp các con đường trong làng giờ chỉ còn là miền ký ức.
Theo UBND xã Hòa An, hiện toàn xã chỉ còn khoảng chưa đầy 2ha trồng mận Hòa An, con số này chưa tới 1/10 diện tích thời hoàng kim của mận Hòa An mấy mươi năm trước.
Một trong những nguyên nhân khiến diện tích mận Hòa An biến mất nhanh chóng là do tốc độ đô thị hóa khá nhanh, việc mở rộng các tuyến đường, người dân chuyển đổi sang canh tác những loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn… là những nguyên nhân khiến giống mận quý này có nguy cơ bị xóa sổ.
Để bảo tồn giống mận đặc trưng của quê hương Hòa An, UBND TP.Cao Lãnh có chủ trương khôi phục lại giống mận Hòa An gắn với định hướng phát triển du lịch của địa phương.
Thành phố đã chọn 2 hộ gia đình có nhiều tâm huyết với loại cây ăn quả này để thực hiện mô hình thí điểm.
Ở mô hình này, các nhà vườn được hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, sản xuất theo quy trình an toàn và định hướng gắn với phát triển du lịch của TP.Cao Lãnh. Đây cũng là một trong những định hướng dài hơi giúp giải quyết ổn định đầu ra cho mận Hòa An.
Dù diện tích mận Hòa An hiện nay không còn nhiều nhưng trên địa bàn xã vẫn còn khá nhiều hộ tâm huyết với việc bảo tồn giống mận quý Hòa An.
Cô Trần Thị Bé Tư ngụ ấp Hòa Long, xã Hòa An chia sẻ: “Dù bây giờ mận Hòa An không có giá trị kinh tế cao nhưng gia đình tôi vẫn quyết tâm giữ lại vườn mận hơn 70 năm tuổi của ba má tôi để lại.
Với gia đình, mận Hòa An có nhiều giá trị kỷ niệm, 3 thế hệ của gia đình đã gắn bó với những gốc mận này, tôi muốn gìn giữ và truyền lại cho con cháu của mình những giá trị văn hóa tốt đẹp nhất mà dân làng Hòa An gắn bó với giống mận này”.
Mận Hòa An sẽ không phải là hoài niệm khi được sự đồng lòng chung sức giữa chính quyền và người dân trong công tác bảo tồn và phát triển. Khôi phục lại giống mận Hòa An là cách mà thế hệ hôm nay lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp của người xưa để lại.
Tìm khách sạn tại Cao Lãnh:
1. Khách sạn Huỳnh Đức
- Số 01 Ngô Thời Nhậm, Phường 1, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp
- 0869 126 526
2. Khách sạn Huỳnh Đức 2
- Số 09 Ngô Thời Nhậm, Phường 1, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp
- 0762 26 26 26
Theo tin du lịch.