Nhắc đến Đồng Tháp là thủ phủ đất Sen Hồng với những cánh đồng Sen bát ngát, với những cánh đồng cò bay thảng cánh hay về vưới những vườn trái cây ngon ngọt, được tiếp xúc với người nông dân chất phác, thật thà.
Ngoài những đặc trưng đã nêu trên về Đồng Tháp du khách còn có thể viếng, thăm quan nét văn Hóa tâm linh.
Kiến An Cung là công trình thờ tự được một nhóm người Hoa xây dựng vào những ngày đầu khai hoang mảnh đất này. Hiện nay, Kiến An Cung tọa lạc tại phường 2, ngay trung tâm thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.
Chùa được xây dựng vào năm 1924 và hoàn thành 3 năm sau đó, năm 1927. Với công nghệ xây dựng thô sơ thời đó, thật khó có thể tin người Hoa có thể dựng nên 1 ngôi chùa bề thế và rộng lớn như Kiến An Cung.
Nhờ kiến trúc độc đáo đó mà Kiến An Cung trở thành địa điểm du lịch tâm linh luôn có trong những tour du lịch Đồng Tháp của nhiều hãng du lịch nổi tiếng.
Theo sử sách ghi lại, ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, Kiến An Cung là nơi thờ tự Ông Quách và những vị thần linh thiêng của người Hoa. Không chỉ là nơi thờ tự, Kiến An Cung còn là nơi tụ họp, trò chuyện của cộng đồng người Hoa đến khai hoang mảnh đất Đồng Tháp. Qua gần 1 thế kỉ tồn tại, Kiến An Cung vẫn giữ 1 vị trí không nhỏ trong văn hóa tâm linh của cộng đồng người Hoa ở Đồng Tháp.
Đến Kiến An Cung đi như thế nào?
Xuất phát từ TP.HCM, du khách đi theo hướng QL1A, qua Long An, Tiền Giang. Sau khi qua cầu Bắc Mỹ Thuận, du khách rẽ về QL80 đi Sa Đéc – Đồng Tháp. Khi đến địa phận phường 2, thị xã Sa Đéc, du khách rẽ về hướng Đại Lộ Hùng Vương, đi thêm khoảng 3km là đến cổng vào Kiến An Cung.
Kiến trúc Kiến An Cung rất dễ nhận biết vì nó khác biệt hoàn toàn so với những ngôi chùa Việt và chùa Chăm ở Đồng Tháp. Chùa được xây theo hình chữ “Công”, mái lợp ngói theo chữ “Ngũ Hành”. Đặc biệt, ngay trước cửa vào Kiến An Cung là 2 bức tượng kỳ lân bằng đá xanh được điêu khắc tinh xảo.
Đến tham quan Kiến An Cung, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một tuyệt tác nghệ thuật có “có một không hai” của người Hoa ở Đồng Tháp. Kiến trúc của Kiến An Cung nhìn từ ngoài vào trông rất đơn giản với chiếc cổng màu đỏ cùng thiết kế nhà hình chữ “Công” có 3 gian, trên lợp mái ngói. Tuy nhiên, khi đến gần và nhìn thật kĩ, du khách sẽ phát hiện mái ngói của chùa được thiết kế rất ấn tượng.
Ngói có hình cong dạng sóng cao vút, đầu mái có tạc hình rồng. Chưa hết, 6 đầu ngọn sóng là 6 tòa cung điện thu nhỏ, tinh xảo, công phu…
Sau khi mở ra chiếc cổng màu đỏ và bước vào bên trong, hiện ra trước mắt du khách là 1 Chánh Điện rất rộng, khói hương nghi ngút. Trước gian thờ tự này có dựng 2 bức tượng kỳ lân được điêu khắc tinh xảo từ đá xanh.
Bên trái và bên phải tượng kì lân là 2 đền thờ 2 vị thần Thiện – Ác của người Hoa. Vượt qua 2 bức tượng kỳ lân, du khách sẽ phải đi qua 1 khoảng sân lộ thiên khá rộng mới vào được điện thờ.
Bên trong điện thờ Kiến An Cung là bàn thờ Quan Công, Ngọc Hoàng và Ông Quách. Chánh Điện Kiến An Cung sở hữu lối kiến trúc rất đẹp.
Ngoài bàn thờ ở giữa được nhan khói ngày đêm, xung quanh Chánh Điện còn có những cây cột lớn chạm khắc chữ hoa tinh xảo, cửa vào chạm khắc hình lân và những bức liễn được chạm trổ rồng, phượng, chim muông, hoa, lá rất đẹp. Nổi bật nhất là tấm hoành phi “Kiến An Cung” ngay giữa Chánh Điện.
Là một trong những địa điểm du lịch đẹp ở Đồng Tháp rất nổi tiếng nên ngày nào cũng có du khách đến Kiến An Cung tham quan, cúng viếng và tìm hiểu về chùa. Tuy nhiên, thời điểm du khách nên đến Kiến An Cung là 2 ngày 22/2 và 22/8 Âm Lịch.
Vào 2 ngày này, cộng đồng người Hoa ở Đồng Tháp tập trung về Kiến An Cung mừng lễ hội. Bên cạnh 2 ngày lễ đó, cứ 3 năm, Kiến An Cung lại tổ chức lập trai đàn và làm lễ cầu siêu, cầu bình an cho bá tánh.
Những ngày lễ hội ở Kiến An Cung không chỉ thu hút người Hoa ở Đồng Tháp mà còn hấp dẫn người Hoa và khách du lịch ở các nơi đến tham dự.
Theo Tin Du Lịch