Triển vọng mới từ làng nghề làm bột gạo Sa Đéc, Đồng Tháp

Chủ nhật, 03/01/2016, 19:07 GMT+7

TP.Sa Đéc không chỉ nổi tiếng với nghề trồng hoa kiểng, chế biến gạo xuất khẩu mà còn khá nổi tiếng với làng nghề làm bột gạo. Nghề làm bột gạo Sa Đéc được hình thành và phát triển từ nửa thế kỉ nay, do nguồn nước ngọt quanh năm, thổ nhưỡng, thời tiết phù hợp nên sản phẩm bột gạo ở đây có những giá trị riêng, khó có nơi nào sánh kịp.

Phơi bột

Làng nghề làm bột gạo Sa Đéc với 358 hộ tham gia sản xuất, tập trung chủ yếu là ở xã Tân Phú Đông, sau đó lan ra phường 2, xã Tân Quy Tây... Bột gạo Sa Đéc là sản phẩm nổi tiếng của địa phương, trong nước và xuất khẩu, nghề làm bột ở đây góp phần đáng kể vào việc nâng cao đời sống và mang đến sự phồn thịnh cho nhiều gia đình.

Ban đầu, với cách làm thủ công đơn giản, nhiều cơ sở không phải thuê mướn nhân công mà bằng sức lao động của người thân trong gia đình. Nguồn nguyên liệu chính sản xuất ra bột là gạo và tấm, được thu mua từ những địa phương và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn nước để làm bột là nguồn nước ngọt dồi dào sẵn có của sông Tiền, sông Sa Đéc, nước ở đây có độ PH = 7 trung tính... chính yếu tố này đã làm cho bột Sa Đéc đẹp và ngon, có độ day, mịn, trắng tự nhiên mà không nơi đâu sánh kịp.

Để có sản phẩm bột gạo ngon, ngoài việc lựa chọn gạo đồng loạt, không pha trộn, dân làng nghề còn phải qua nhiều công đoạn chế biến bột khá kỳ công. Gạo được ngâm nước cho mềm hạt, để vào cối đá xay nhuyễn, sau đó chan ra nhiều lu, khạp hoặc hồ xây bằng xi măng rồi đổ nước vô ngâm. Hằng ngày, phải tẻ nước thành nhiều đợt, thay nước mới ít nhất một tuần. Để cho bột thật nhuyễn, rồi lọc bã bột ra cho thật ráo. Bẻ bột bày ra nia, ra vỉ, đem phơi độ ba, bốn nắng cho thật khô là có sản phẩm bột.

Nghề làm bột hiện nay đã tân tiến rất nhiều, một số hộ làm bột ở Sa Đéc đã chú trọng đổi mới công nghệ. Ông Nguyễn Văn Nương - chủ cơ sở sản xuất bột ở phường 2 chia sẻ: “Thay vì sản xuất bột theo phương pháp thủ công thì nay các hộ làm bột đã trang bị máy vo gạo, máy xay bột, máy ép ly tâm, máy đánh tơi... nhằm giảm sức lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Sản phẩm bột được chia làm 2 loại: bột tươi được cung cấp trực tiếp cho các nhà máy, cơ sở chế biến thực phẩm; bột khô có thể dùng để dự trữ lâu, chế biến dần.

Bột gạo còn là nguồn nguyên liệu chủ yếu không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của Việt Nam. Thời gian qua, Công ty Cổ phần Du lịch Đồng Tháp đã khai thác lợi thế du lịch kết hợp ẩm thực, đặc biệt là ẩm thực từ bột gạo Sa Đéc nhằm thu hút du khách. Qua đó, Công ty đã xây dựng chương trình du lịch ẩm thực với hình thức mời du khách tham gia “Một ngày làm nghệ nhân nấu ăn, làm bánh”, nhằm giới thiệu, duy trì và bảo tồn các dụng cụ thủ công của quy trình làm bột, làm các loại bánh dân gian, giới thiệu giá trị dinh dưỡng của các món bánh độc đáo từ bột Sa Đéc.

Thị trường tiêu thụ bột ngày nay đã phát triển rất nhiều, các nhà máy chế biến thực phẩm trong và ngoài tỉnh tiêu thụ bình quân 80- 90 tấn bột tươi mỗi ngày để làm ra các sản phẩm ăn liền như: mì, hủ tiếu, phở, bánh canh, cháo.... Ngoài ra, bột Sa Đéc còn được cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ của TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ và xuất khẩu đi một số nước.

Chỉ riêng nghề làm bột ở Sa Đéc đã tạo công ăn việc làm cho trên 1.000 lao động và hàng trăm lao động khác trong các dịch vụ mua bán, vận chuyển sản phẩm bột, sản lượng bình quân trên 30 ngàn tấn bột trong năm. Với những phụ phẩm từ việc sản xuất bột đã góp phần đáng kể cho việc phát triển về chăn nuôi.

Nghề làm bột ở Sa Đéc không ngừng được cải tiến về nhiều mặt, Đảng bộ và chính quyền địa phương rất quan tâm, tạo mọi điều kiện để phát triển nghề truyền thống này, đưa nghề làm bột lên ngang tầm trong thời kỳ mới của quá trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước. “Đề án nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện môi trường sản xuất bột TP.Sa Đéc đến năm 2010” được ban hành và tổ chức thực hiện từ mấy năm qua đã mang lại những hiệu quả thiết thực, đáng phấn khởi.

bot

Ý kiến bạn đọc