khai màn mùa lễ hội tỉnh Đồng Tháp - Lễ hội Trần Văn Năng

Thứ hai, 04/04/2016, 18:04 GMT+7

Trần Văn Năng (người huyện Vĩnh Xương tỉnh Khánh Hòa, có sức vóc, giỏi võ nghệ, qui thuận Nguyễn Ánh năm 1777). Là quan đại thần triều Nguyễn, do lập được nhiều công lao được phong chức Thượng tướng quận công. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), trên đường công cán, đến Bến Siêu (ở trên Cửa Thuận, tỉnh An Giang – nay thuộc huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) bị bệnh và qua đời, hưởng thọ 72 tuổi.


Do lòng ngưỡng mộ tài đức và những linh ứng độ trì dân làng nơi ông mất khi xưa, nên như thường lệ hàng năm, vào ngày 14-16 tháng 2 âm lịch, năm Bính Thân (2016), lễ hội lần thứ 181 tưởng niệm Thượng tướng quận công Trần Văn Năng diễn ra tại Đền thờ ông thuộc ấp Nam, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình. Đây cũng là lễ hội đầu tiên trong năm, mở màn cho mùa lễ hội trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (theo Danh mục lễ hội được kiểm kê năm 2014 cả tỉnh có 117 lễ hội. trong đó có 02 lễ hội cấp tỉnh; 06 cấp huyện, thị xã, thành phố; 109 cấp xã, phường, thị trấn).

Đền thờ Trần Văn Năng sau khi được trùng tu

Đền thờ Trần Văn Năng sau khi được trùng tu

Vào dịp lễ hội, Đảng bộ, chính quyền địa phương và nhân dân quanh vùng tổ chức lễ rất long trọng, cờ hoa trang hoàng trang lộng lẫy. Khách hành hương về tế lễ rất đông, trên bến, dưới thuyền, xe cộ, xuồng ghe náo nhiệt. Kể từ khi Đền thờ ông được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 2004, các cơ quan chức năng đầu tư trùng tu tôn tạo, xây dựng Đền thờ, Tượng đài và lễ hội ông được nâng cấp thành lễ hội cấp huyện, thì lượng khách hành hương đến ngày càng đông. Theo số liệu thống kê năm 2014, lượng khách đến hành hương khoảng 30.000 lượt người, tăng hơn gấp nhiều lần so với những năm về trước - chỉ vài ngàn người đến dự lễ.

Cắt băng khánh thành tượng Trần Văn Năng (nguồn internet)

Cắt băng khánh thành tượng Trần Văn Năng (nguồn internet)

Trong lễ hội, Ban tế tự thực hành một số nghi thức lễ rước Sắc, lễ cúng Tiên sư, thỉnh sanh… mỗi lễ cúng, có nghi thức hành lễ khác nhau và kèm theo nghi lễ phụ họa như: nhạc lễ, học trò lễ dâng hương đăng trà quả… Chánh bái đọc văn tế ca ngợi công đức các vị được tôn thờ và cầu khấn thần linh phù hộ cho đất nước, nhân dân bình an v.v.

Lễ hội tại Đền thờ ông là dịp để mọi người đến tế lễ, tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, trò vui chơi giải trí, giao lưu tình cảm, thắt chặt thêm tình đoàn kết trong nhân dân, phát triển và phục hồi những giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống: trò chơi dân gian như kéo co, múa lân, chơi đờn ca tài tử Nam bộ, hát cải lương .v.v

Trong dịp lễ hội, với tinh thần tín ngưỡng, nhân dân thập phương đến lễ bái cầu gia đạo bình an, dồi dào sứa khỏe, đất nước thái bình v.v…Đồng thời, cũng tự nguyện kẻ góp công, người góp tài vật để tổ chức lễ hội thêm trang trọng, ấm cúng. Ban tế tự Đền thờ còn cho cho biết, kinh phí nhân dân đóng góp trong các dịp lễ hội chẳng những đảm bảo tổ chức thành công lễ hội mà còn có khoảng dư tích lũy, gửi tiết kiệm để sung vào nguồn tu bổ di tích.

Lễ hội tại đền thờ Trần Văn Năng có ý nghĩa linh thiêng, là một sinh hoạt văn hóa dân gian mang đặc thù của người dân miền sông nước vùng Đồng Tháp Mười, nó nhắc nhở mọi người nhớ về cội nguồn, tổ tiên, tri ân những người có công với đất nước, với dân tộc. Đó cũng là hình thức liên kết cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc thông qua những hoạt động vui chơi giải trí thư giản tinh thần giao lưu khi tham gia lễ hội.

 

Ý kiến bạn đọc