Món ăn đặc sản Đồng Tháp nổi tiếng khắp vùng

Chủ nhật, 03/05/2020, 09:49 GMT+7

Món ăn đặc sản Đồng Tháp mua về làm quà nổi tiếng khắp vùng

Đồng Tháp là một tỉnh nằm ở miền Tây Nam Bộ, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long trù phú và mênh mang sông nước.

Đồng Tháp chỉ cách Thành phố Hồ Chí Minh 170 km, khí hậu ôn hòa quanh năm và đặc trưng với nhiều món ăn đậm chất quê hương, được chế biến từ những nguyên liệu quen thuộc, bình dị và gần gũi. Những món ăn đặc sản Đồng Tháp mua về làm quà mà InnoTour giới thiệu dưới đây sẽ giúp bạn có được hành trình về miền sông nước Tây Nam Bộ được trọn vẹn nhất.

Những món ăn đặc sản Đồng Tháp nổi tiếng khắp vùng sông nước miền Tây Nam Bộ

1. Vịt nướng Sa Đéc – Cao Lãnh
Ghé thăm Đồng Tháp vào mùa nước nổi từ tháng 7 đến tháng 11, du khách sẽ được thưởng thức đặc sản vịt nướng Sa Đéc – Cao Lãnh với những thớ thịt béo ngậy, giòn tan và hương thơm cực kỳ hấp dẫn.

Vịt quay Sa Đéc

Bên cạnh món vịt nướng kiểu truyền thống, người Đồng Tháp còn có món vịt nướng tiêu xanh, vịt nướng mật ong, vịt nướng chao, vịt nướng giả cầy, vịt nướng đất sét,…

2. Bánh xèo Cao Lãnh
Bánh xèo nổi tiếng nhất tại miền Tây Nam bộ phải kể đến bánh xèo Cao Lãnh ở Đồng Tháp. Bánh xèo được làm từ bột gạo mới, tráng mỏng trên chảo nhôm và thêm nước cốt dừa, hành lá, tôm sú, thịt heo ba chỉ,… một số nơi còn có thêm nhân thịt vịt.

Bánh xèo Cao Lãnh- Cách Khách sạn Huỳnh Đức 100m

3. Hủ tiếu Sa Đéc

Hủ tiếu Sa Đéc có sợi mềm, không bở, không dai, màu trắng sữa và rất thơm. Đặc biệt, nước dùng rất thơm, ngọt thanh nhưng không quá béo ngậy. Khi nào khách gọi, đầu bếp sẽ cho hủ tiếu vào tô, rắc chút thịt nạc băm, chả vàng, tim, gan… cùng hành lá và ngò băm nhuyễn lên trên rồi mới chan nước dùng vào.

Mỗi phần hủ tiếu được phục vụ kèm đĩa giò, quẩy, rau sống, xì dầu, ớt sừng trâu xắt lát ngâm giấm. Khi ăn, thực khách trộn tất cả các nguyên liệu lại rồi từ từ thưởng thức, sẽ cảm nhận được hương vị tuyệt vời của hủ tiếu Sa Đéc.

Ngoài ra, đừng bỏ qua món hủ tiếu khô độc đáo, lạ miệng nữa nhé.

Hủ tiếu Sa Đéc

Một tô hủ tiếu Sa Đéc đúng điệu sẽ gồm có thịt nạc băm, chả vàng, tìm, gần, phèo,… được làm cẩn thận, nóng hổi, ngon lành ăn kèm với rau sống, cháo quẩy và ớt sừng thật cay.

4. Cá lóc nướng cuốn lá sen non

Cả hồn quê sông nước Đồng Tháp có lẽ được gói gọn trong món ăn đặc sản cá lóc nướng cuốn lá sen non. Cá lóc được nướng trên lửa rơm cho đến khi có màu vàng, da cá săn lại và tỏa mùi thơm nức rồi đem cuốn cùng với lá sen non và chấm nước mắm me. Dù chỉ mới một lần thưởng thức, bạn cũng có thể cảm nhận vị ngọt thơm của cá lóc nướng, vị chan chát của lá sen non quyện cùng vị chua thanh nhẹ của mắm me cứ quyến luyến nơi đầu lưỡi.

Cá lốc nướng trui

5. Ốc treo giàn bếp

Ốc lác là loại ốc có thịt màu vàng, giòn và ngọt. Ốc lác được người Đồng Tháp chế biến thành rất nhiều món ăn ngon như luộc lá ổi hoặc hấp xả chấm nước mắm tỏi ớt; cầu kỳ hơn như nấu cari xả ớt, xào mặn xả ớt,… đặc biệt thơm ngon phải kể đến ốc treo giàn bếp.

Ốc treo giàn bếp

Ốc lác sau khi bắt về làm sạch thì treo trên giàn bếp cho khói xông vào từ 4 – 5 tháng rồi đem xuống rửa sạch, hấp cùng với sả tạo nên hương vị rất đặc trưng.

6. Lẩu cá linh bông điên điển

Từ khoảng tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, Đồng Tháp vào mùa nước nổi sẽ có rất nhiều cá linh theo con nước về ngập tràn đồng. Bông điên điển cũng bắt đầu nở vàng khắp các mé sông.

Lẩu cá linh

Lẩu cá linh bông điên điển là món ăn đặc sản đặc trưng miền sông nước mà không phải ai cũng có cơ hội thưởng thức. Cá linh mềm và rất béo, bông điên điển thì có độ giòn, thơm, bùi, hương vị rất đặc biệt.

7.Dồi rắn

Dồi rắn là một món ngon đặc biệt chỉ có vào mùa nước nổi ở Đồng Tháp mang hương vị đặc biệt, lạ miệng không giống một món ăn nào.

Dồi rắn

Rắn bông súng và rắn nước có thịt ngọt mà không độc đem băm nhuyễn rồi tẩm ướp gia vị, nhồi lại vào trong da rắn. Dồi rắn hấp, chiên hoặc nướng đều rất ngon, là trải nghiệm ẩm thực thú vị mà bạn không nên bỏ qua.

8. Bông súng mắm kho

“Muốn ăn bông súng mắm kho

Thì vô Đồng Tháp ăn cho đỡ thèm”

Mắm kho

Là niềm tự hào của ẩm thực miền sông nước, bông súng mắm kho Đồng Tháp nức tiếng gần xa, ai ghé thăm miền đất này cũng đều muốn thưởng thức thử. Bông súng mắm kho với vị ngon đậm đà, cay cay dậy lên mùi thơm của sả, quyện cùng mùi thơm của mắm thoang thoảng khiến ai cũng khó cưỡng lại sức hấp dẫn của món ăn dân dã này.

9. Tắc kè xào lăn

Tắc kè xào lăn là món ăn khá phổ biến ở Đồng Tháp. Tắc kè bắt về làm sạch, ướp gia vị, bắc chảo phi mỡ tỏi rồi cho thịt vào xào cho săn lại, sau đó vắt nước cốt dừa vào xâm xấp, chụm lửa liu riu để thịt hòa quyện đậm đà và bắt mùi thơm ngất ngây.

Tắc kè xào lăn

10. Bánh phồng tôm Sa Giang

Bánh phồng tôm Sa Giang được làm từ bột gạo nếp, thịt tôm xay nhuyễn thêm một ít hạt tiêu giã nhỏ đem hấp chín rồi thái lát mỏng. Khi ăn thì chiên phồng đến khi đạt được độ giòn, xốp và dai mềm.

Bánh phồng Sa Giang

11.Trà lá sen

Từ lâu, người dân vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp rất tự hào về “đặc sản” sen của mình.

Sen gắn bó với đời sống vật chất, tinh thần của người dân; sen là một loại dược liệu quý để chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe con người; sen đi vào ca dao, thơ phú, văn chương, điện ảnh; sen chứng kiến những mối tình sắt son, chung thủy. Không những thế, sen còn là một trong những cây trồng giúp bà con nông dân vượt khó, làm giàu.

Trà lá sen

Lá sen (tên đông Y là hà diệp) từ lâu được xem là loại dược liệu giúp giảm cân, giảm mất ngủ, giảm mỡ máu… Từ xưa, người Việt đã biết cách phơi khô lá sen để hãm trà uống. Tuy nhiên, lá sen có kích thước lớn nên nếu phơi khô mà bảo quản không đúng cách rất dễ ẩm mốc trong điều kiện nóng ẩm.

Khi trồng sen cho lá, nông dân không được phun thuốc bảo vệ thực vật hoặc chỉ sử dụng thuốc sinh học để đảm bảo chất lượng lá và an toàn cho người tiêu dùng.

Lá sen đạt chuẩn phải là lá bánh tẻ lớn, xanh đậm, không quá non hay quá già, không bị sâu hại bởi lá non làm giảm hương vị trà, trong khi lá già ảnh hưởng đến chất lượng dược liệu. Lá thu hoạch vào sáng sớm sẽ còn độ tươi nên khi mang về cơ sở chế biến vẫn giữ nguyên mùi thơm ngan ngát đặc trưng của nhựa sen.

Cuối cùng, lá sen khô được đóng túi và trở thành trà hoặc được nghiền nhỏ để trở thành trà túi lọc. Trà lá sen thành phẩm vẫn còn nguyên màu xanh, mùi thơm đặc trưng của lá tươi.

Sưu tầm.

Ý kiến bạn đọc