DU LỊCH CỒN CHIM, HƠN CẢ NHỮNG TẤM LÒNG.

Thursday, 19/11/2020, 18:30 GMT+7

             DU LỊCH CỒN CHIM, HƠN CẢ NHỮNG TẤM LÒNG.


Ấp Cồn Chim thuộc xã Hòa Minh (Châu Thành, Trà Vinh); nằm giữa sông Cổ Chiên, cách  tỉnh lỵ 15 km về hướng Đông Bắc. Theo quốc lộ 53, qua phà Phước Vinh (Bà Trầm), vượt sông Cổ Chiên, đi thuyền nhỏ chừng cây số. Diện tích cồn hơn 60ha, 54 hộ dân, 220 nhân khẩu.
NGUỒN GỐC TÊN GỌI
Không ít khách đến tham quan bảo “Đến Cồn Chim chẳng thấy chim. Chân quê mà đẹp, đốn tim mọi người”. Đó là khách chỉ ghé qua chốc lát. Ban ngày, chim tỏa đi kiếm ăn.. Chiều muộn, táo tác rủ nhau về. Gặp mùa tát đìa, hoặc xả ruộng tôm thu hoạch, lũ chim mới kéo đến ăn ké mấy thứ con người chê.


Làng quê nhưng ít cây ăn trái. Có lẽ cây sợ che hết gió trời nên nhường đất cho ao, ruộng. Cây chỉ mọc ven đường và bờ ao, bờ ruộng. Nhiều nhất là dừa, loại dừa xiêm dây, còn gọi là dừa éo, chi chít quả, ngọt mê tơi. Làng quê giàu gió, nên không cần máy lạnh. 
Từ xa, đã thấy những người dân mộc mạc chân quê, vẫy tay chào đón. Đến gần, sự hiếu khách, thân thiện, thể hiện qua ánh mắt, nụ cười, cử chỉ và những chiếc nón lá để khách che nắng. Đầu làng, có sẵn xe đạp để khách dạo chơi. Đất Cồn Chim mát dịu như làn da con gái dậy thì, thích massage chân trần và thầm thì kể chuyện xưa.
Làng quê tĩnh lặng, yên bình và đẹp hơn tranh. Đường nhỏ, nhà nhỏ, quán nhỏ, nói nhỏ. Thứ gì cũng be bé xinh xinh mà duyên thầm thân quen, quyến rũ. Cứ ngỡ như đang ngược dòng thời gian mấy chục năm của thế kỷ trước. 
MIỀN ĐẤT THUẬN THIÊN
Trà Vinh, mà Cồn Chim là tiểu biểu của “Miền đất thuận thiên”; nên trời thương, đất quí. Rừng trong phố nhưng chưa bao giờ cây gây tai nạn. Bão tránh xa, sạt lở ít hơn nhiều nơi khác, bởi mọi hoạt động đều theo qui luật. Tùy mùa, người Cồn Chim thuận tự nhiên kiếm sống. Nửa năm nhiễm mặn (tháng 3 - 9); nuôi tôm, cua và cá nước lợ. Nửa năm còn lại, trồng lúa và khai thác tôm, cua, cá tự nhiên.
Đường quê tinh khôi, hoa khoe sắc dịu. Thứ gì cũng đáng yêu. Từ những bảng hiệu bằng gỗ tạp hay tre tự làm, mấy giỏ cần xé thùng rác, đến ống hút. Chó trong làng, gặp người lạ không sủa ầm ĩ. Có khi còn vẫy đuôi quấn quýt. Nhà nào cũng cửa nẻo sơ sài, suốt ngày để gió vào chơi. 


Nhờ Covid 19, Cù Thùy Linh, hướng dẫn viên du lịch Freelane ở Quảng Ninh, có dịp phượt đến Cồn Chim. Bị cảnh quan và tình người mê hoặc, Linh ở hẳn mấy tuần, cùng bà con chia sẻ kiến thức và nghiệp vụ du lịch cộng đồng. Bây giờ, hễ rảnh rỗi, vắng tour là Linh về Cồn Chim, cứ như quê mình vậy.
Nhóm bạn nhà báo Hiếu Nhi, trong lần về Cồn Chim tác nghiệp, không báo trước, nhà không dự trữ, đến bữa đói meo. Nhóm tỏa đi hái rau, mua tôm cá về nhờ chế biến. Bữa ăn tươi ngon cực. Hỏi tính tiền, chủ nhà ngơ ngác “Tiền gì?”. “Tiến nấu nướng”. “Nầu dùm thôi, có phải nhà hàng đâu mà tiền bạc”. Người Cồn Chim là vậy.
Ẩm thực Cồn Chim toàn món quê, trình bày bắt mắt, chất lượng khỏi chê. Tôm, cua tươi rói, ngon điếc mũi. Ấn tượng nhất là bần biến tấu. Từ canh chua bần cua, có kho bần, đặc biệt là gỏi tôm bần, gỏi bò bần. Các món cua hấp bia, tôm hấp bia, gà vườn hấp rượu, tép rang, cá trê nướng... đều bá cháy. Món nào cũng được chế biến bằng cả tấm lòng, không cầu kỳ gia vị. Ngồi ăn mà rưng rưng cảm động. 
Món bánh lá dừa ngũ sắc, sương sa Cồn Chim dân dã mà lạ miệng. Trước khi ăn, khách được giới thiệu và mời tham gia chế biến. Thưởng thức “chiến lợi phẩm” là trải nghiệm thú vị, khách nào cũng muốn thử. Nông dân Cồn Chim triệt để thực hiện 3 không - Không dùng kích điện - Không đăng mé, đóng đáy mùng, sử dụng lưới ba màng và các hình thức cào - Không dùng thuốc trừ sâu, chất bảo quản.  
Khách vào, nhà nào cũng mời chào thân thiện. Gặp bữa có thể dùng cơm chung, có gì ăn nấy. Chập chững làm du lịch, mỗi nhà chọn vài món đãi khách, toàn cây nhà lá vườn. Bánh lá Ba Sữa, bánh xèo Sáu Giàu, câu cua Tư Pha, trò chơi dân gian Út Tài, xe đạp Sáu May, sương sa và bếp xưa Ba Vân, vườn dừa Ba Hạnh, nhà hàng Năm Huyển...; không đụng hàng. 
Làng có qui nước riêng. Từ nếp nhà đến khai thác sản vật. Có chợ quê phục vụ khách. Không có karaoke và giải trí phố thị nhưng tha hổ chơi nhảy dây, chồng nụ, đánh ruộng, ô ăn quan, rồng rắn lên mây…và mấy trò mới như câu cua, đua cua, trèo cây hái dừa, xếp lá dừa…Chơi thử, ngỡ mình đang trở về tuổi thơ qua chuyện cổ tích.
MỪNG VÀ LO 
 Mừng, bởi đến Cồn Chim, khách quên đang đi du lịch, mà ngỡ về lại quê xưa. Mọi thứ tự làm và tự nhiên. Từ nhà cửa, đường quê đến cỏ cây, chén đũa. Vô số góc máy lạ để selfie cực chất. Mỗi hộ, là một nếp nhà miền Tây xưa. Mỗi người một việc, từ trong nhà ra cả ấp. Nhiều khách tò mò, xem chế biến rồi xắn tay tham gia, cứ như những thành viên mới trong gia đình. 


Khách đi phượt có thể mang theo võng, ngủ nhà dân hoặc các homestay tiện nghi tối thiểu. Cồn Chim đẹp nhất lúc bình minh, khi gió thức nắng dậy. Ấn tượng nhất lúc hoàng hôn, nắng lịm dần trên cành lá, chìm dần dưới dòng Cổ Chiên. Lãng mạn nhất là những đêm rằm, cả làng vàng trăng lênh láng. Đến Cồn Chim phải sống chậm, xả hết muộn phiền lo toan thường nhật, và tận hưởng, dù chỉ vài ngày.
Lo vì có dấu hiệu manh nha xung đột lợi ích giữa người dân với nhau, giữa người dân với đơn vị tư vấn và với chính quyền. Cổng chào và mấy bảng hiệu được thay mới bằng chất liệu hiện đại, mất dần vẻ chân quê. Ẩm thực yên tâm nhưng lưu trú quan ngại, chưa đúng bài. 
Cồm Chim không cần bê tông, máy lạnh và những dự án bạc bạc tỉ. Chỉ cần nâng cấp mấy homestay và nhà vệ sinh đúng chuẩn thực tế. Nếu biết cách làm, Cồn Chim sẽ là điểm sáng du lịch sinh thái bền vững. Chỉ sợ dòng xoáy đô thị hóa, nhà giàu về mua đất, đua nhau làm du lịch bát nháo, kệch cỡm; làng quê mai một nghĩa tình. Cần lập hợp tác xã để bà con minh bạch giá cả, chất lượng, tương trợ và bảo vệ nhau. 
Du khách mê Cồn Chim vì sự chân mộc, từ nhà của, cảnh quan đến tình người. Đi trệch đường là tự xóa sổ. Xin mượn lời thơ Nguyễn Bính, năn nỉ người dân lẫn chính quyền “Van em, em hãy giữ yên quê mùa”. Cái quê mùa vô giá, không phải nơi nào cũng có.
Giữa nền xanh mượt mà cây lúa, dòng chữ đỏ nổi bật trên tường trạm xá, thay lời muốn nói “Về Cồn Chim, người quê chỉ có tấm lòng” (Trần Tiến). 
Người Cồn Chim đang làm du lịch hơn cả những tấm lòng.
   NGUYỄN VŨ MỘC THIÊNG.

Reviews