YÊU NGƯỜI KHÁC CHỨ ĐỪNG GHÉT HỌ
Người chuyên tìm cọp... và gặp cọp. Một người chuyên tìm cơ hội giúp đỡ người khác...và gặp cơ hội. Không một người nào thấy cái mà người kia tìm.
Chúng ta cũng vậy, tìm ở người khác cái gì thì thấy cái đó. Và chúng ta nên tìm cái hay cái tốt của họ vì chúng ta chung sống với họ. Họ có thể giúp ta thành công hoặc làm cho ta thất bại.
Con người, ai cũng có nhiều tật. Nếu chúng ta khoan hồng với lỗi lầm của người thì người khác cũng sẽ khoan hồng với lỗi lầm của ta. Mà người nào cũng có nhiều đức quý. Nếu chúng ta chịu tìm những đức quý đó của người thì người cũng sẽ chịu tìm những đức đó của ta, và chịu tìm thì tất thấy. Muốn cho cuộc đời vui vẻ, đáng sống thì chúng ta phải tin bản tính con người.
Yêu người khác chứ đừng ghét họ, là một thói quen có thể tập được, một thói quen nhiều khi dễ chịu.
Dưới đây là tóm tắt một ít quy tắc giúp bạn tập được thói quen đó:
1. Nếu chúng ta chịu tìm những đức tốt của người thì chúng ta sẽ thấy.
2. Nếu chúng ta tìm những tật xấu của người thì chúng ta cũng sẽ tìm thấy.
3. Chúng ta chỉ có thể nhân từ đại độ với người khác được nếu chúng ta hiểu rằng họ là nạn nhân của di truyền, của hoàn cảnh, hồi nhỏ khổ sở, không được âu yếm, dạy dỗ.
4. Con người văn minh đã tìm được cách tô điểm nhiều cơ năng sinh lý vốn không đẹp đẽ gì.
5. Muốn tạo tinh thần nhân ái giữa loài người với nhau thì cần có sự tiến bộ về phương diện tinh thần và cảm xúc.
6. Muốn lấy lòng một người không hiểu ta, không hiểu hảo ý của ta, ta nên gia ân cho họ.
7. Trước khi sửa trị một người hoàn toàn xấu xa, ta phải suy tính kỹ xem có chắc là thắng lợi hoàn toàn hay không.
8. Ai cũng có thể trong suốt cái tuổi thành nhân, sống hoà hợp với mọi người mà không xung đột kịch liệt với người khác.
9. Nếu ta chê bai bản tính con người thì người khác có thể cho rằng chính ta mới xấu.
10. Không yêu người khác tức là không yêu đời.
11. Muốn có bạn thân thì phải tốt với bạn. Tri kỷ của ta là người hiểu rõ ta và yêu ta mặc dù ta có tật này hay tật khác.
Cách xử thế của người nay - Bí mật rèn luyện tình cảm, trí tuệ và nghị lực
K.C.INGRAM - Nguyễn Hiến Lê