TÍCH HỢP SẢN PHẨM, TAY KHÔNG LẬP NÊN THƯƠNG HIỆU

Thứ ba, 08/09/2020, 10:43 GMT+7

TÍCH HỢP SẢN PHẨM, TAY KHÔNG LẬP NÊN THƯƠNG HIỆU

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, một doanh nghiệp không chỉ phải đối mặt với những đối thủ cùng địa phương mà còn cả những đối thủ khắp trong nước và nước ngoài nữa, đó chính là lí do tầm nhìn toàn cầu hóa ngày càng được nhiều người đề xướng. Trong xu thế toàn cầu hóa, sự phân công xã hội tất nhiên sẽ chuyên sâu và chi tiết hơn, các doanh nghiệp cần phải chuyên nghiệp hóa, củng cố kĩ thuật hạt nhân của mình để có chỗ đứng vững vàng trên thị trường. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp lại không đi theo trào lưu này, họ không sản xuất ra sản phẩm, không có kĩ thuật hạt nhân, mà chỉ nhập các sản phẩm khác nhau về đóng gói, vậy mà vẫn tạo được thương hiệu trên thị trường.


Tiểu Ngô là chủ một cơ sở chế biến thực phẩm, có thể được coi là một doanh nghiệp nhỏ, số lượng nhân công và quy mô sản xuất không lớn lắm, chủ yếu chế biến những những đặc sản địa phương; các sản phẩm được bày bán chủ yếu ở các cửa hàng đặc sản hoặc các địa điểm du lịch, ngoài ra, cũng có một số người về quê thăm họ hàng thân thích mua về để làm quà. Lợi nhuận hàng tháng trừ đi các khoản chi tiêu thì cũng còn dư chút ít.

Tiểu Ngô thường lo công việc ngoại giao bên ngoài, việc quản lí xưởng do vợ anh phụ trách. Tuy nhiên việc làm ăn ngày càng trở nên khó khăn, nếu không phải là nhà sản xuất chèn ép khách hàng thì cũng là khách hàng chèn ép nhà sản xuất. Quy mô kinh doanh của Tiểu Ngô không lớn lắm, sản phẩm cũng không quá đặc sắc, vậy nên mỗi lần đi đưa hàng là một lần phải dò xét thái độ của người mua. Mỗi khi đến hạn trả tiền hàng, các chủ tiệm thường lấy cớ tạm thời không có tiền. Tiểu Ngô biết là cái cớ của họ nhưng vẫn phải nhẫn nhịn vì muốn kiếm được đồng tiền thời buổi này đâu có dễ dàng gì.

Tiểu Ngô cũng biết sản phẩm của xưởng chỉ có lượng tiêu thụ vừa phải, vì không phải ai cũng thích thứ đặc sản đó, đối tượng tiêu thụ chủ yếu là những du khách mua để thưởng thức hương vị mới, hoặc mua về để làm quà tặng cho bạn bè.

Một hôm, Tiểu Ngô đến thanh toán tiền hàng tại một cửa hàng bán đặc sản ở khu du lịch. Ông chủ cửa hàng bận tiếp khách, không có thời gian thanh toán, thế là Tiểu Ngô đành phải ngồi chờ ở cửa hàng đến khi ông ta tiếp khách xong. Trong lúc ngồi chờ, Tiểu Ngô cũng để ý nghe ngóng xem nhu cầu mua hàng của khách hàng là gì. Anh nhận thấy rất nhiều người hỏi mua đặc sản Bát trân ở quê mình.

Thực ra, Bát trân chỉ là một danh xưng. Quê Tiểu Ngô vốn là một vùng sơn cước, mỗi một thôn làng lại có một thói quen ăn uống khác nhau, đều có những món đặc sản khác nhau, tám món ăn ngon nhất, đặc biệt nhất và cũng nổi tiếng nhất được gọi chung là “Bát trân”. Đặc sản mà cơ sở của Tiểu Ngô sản xuất chỉ là một trong tám loại Bát trân mà thôi. Ông chủ tiệm đã gom đi gom lại mà vẫn không đủ tám loại Bát trân theo như yêu cầu của khách hàng.

Mỗi một món đặc sản đều được gói riêng thành từng túi to trong khi du khách thường chỉ muốn mua mỗi loại một chút để mang về nhà cho tiện. Hơn nữa, mỗi một món lại cần được đóng gói theo những cách khác nhau, túi to có, túi nhỏ cũng có, hộp vuông, hộp tròn, có loại gói bằng giấy, có loại đựng trong túi nilon, nhìn hoa cả mắt, kết quả là khách du lịch đành thất vọng quay về.

Tiểu Ngô lặng lẽ nhận ra đây chính là cơ hội cho mình, thế là anh liền chờ ông chủ tiệm tiễn khách xong mới hỏi: “Sao bây giờ có nhiều người hỏi mua Bát trân thế nhỉ?” Ông chủ thành thực trả lời: “Đúng vậy đấy, dân quê mình có ai mua hết tám loại Bát trân một lúc chứ, mỗi một địa phương đều có những món ăn ưa thích khác nhau, từ trước đến nay, Bát trân đều được bán riêng biệt, mà cũng chẳng có ai thích hết cả tám loại, mua về nhà chỉ tổ vứt đi. Những du khách này đúng là kì lạ.” Tiểu Ngô cũng cười, tiện mồm đế thêm vào: “Phải đấy, người thành phố đúng là kì lạ.”

Tiểu Ngô lại hỏi ông chủ: “Nếu khách hàng đã hỏi mua Bát trân thì sao ông không nhập đủ về mà bán cho họ?” Ông chủ tiệm thở dài trả lời: “Tôi cũng từng nghĩ như thế, có người mua thì tội gì không bán? Du khách bây giờ chỉ muốn mua mỗi món một chút để ăn thử, cho dù là cửu trân hay thập trân, chỉ cần gom đủ là tôi cũng bán. Cậu làm nghề này chắc cũng biết, muốn thu thập đủ Bát trân đâu dễ dàng gì, vì mùi vị của chúng quá đặc biệt nên bây giờ rất ít người làm, ví dụ như thịt chuột khô đấy, có phải dễ tìm đâu, lúc này có, lúc khác lại không có. Những món ăn này đều là những món người nông dân làm lúc nông nhàn, cây nhà lá vườn, nấu ăn ngay tại chỗ, làm gì có ai bán với số lượng nhiều.”

Trò chuyện một lúc lâu, những gì cần biết cũng đã tìm hiểu được kha khá, Tiểu Ngô liền đi một vòng quanh tiệm bán đặc sản, ghi nhớ giá cả và cách đóng gói các món Bát trân, thu tiền hàng xong liền vội vàng ra về.

Nhưng anh không về nhà mà đi tìm người em họ ở khu du lịch để hỏi xem sao dạo này có nhiều du khách chỉ đích danh Bát trân để mua thế.

Em họ của Tiểu Ngô làm hướng dẫn viên du lịch, thường xuyên nói chuyện với du khách, chắc chắn sẽ biết được câu trả lời. Quả nhiên, để quảng cáo cho phong cảnh và phong tục tập quán ở địa phương, chính quyền tỉnh đã không quên đề cập tới món Bát trân trong các bài viết giới thiệu. Phần giới thiệu này đã thu hút sự tò mò của rất nhiều du khách, ai cũng muốn một lần được thưởng thức đủ tám loại đặc sản này, nhân tiện mua một ít về làm quà cho bạn bè người thân, chính vì thế mới có cảnh tượng mà Tiểu Ngô đã thấy ở cửa hàng đặc sản.

Vậy là trong lòng Tiểu Ngô hạ quyết tâm, nếu chính quyền đã đưa Bát trân vào thông tin quảng cáo du lịch thì còn hình thức quảng bá nào tốt hơn nữa, sản phẩm này chắc chắn sẽ có tương lai. Tại sao mình không thu thập đủ tám món trong Bát trân và đóng gói thành những hộp quà phục vụ du khách?

Nghĩ là làm, Tiểu Ngô bắt tay vào thực hiện kế hoạch của mình. Các cơ sở sản xuất Bát trân khá phân tán, tuy thế cũng chỉ nằm trong phạm vi trên dưới mấy trăm cây số của tỉnh, đều là người trong nghề nên trước nay vẫn giữ quan hệ với nhau. Rất nhanh chóng, Tiểu Ngô đã tìm được bảy cơ sở sản xuất có chất lượng khá ổn định, có thực lực và giá cả cũng hợp lí để hợp tác. Tiểu Ngô mua hàng từ những cơ sở đó, mang về xưởng của mình, cho nhân viên đóng gói bao bì, nhãn hiệu công ty mình và đựng chung vào một cái hộp rất đẹp và sang trọng. Anh thử mang một nghìn hộp đến các cửa hàng đặc sản bán và về nhà hồi hộp chờ tin tức. Ba ngày sau, tất cả các cửa hàng đều có tin tốt lành, điện thoại đặt hàng, lấy hàng reo liên tục khiến Tiểu Ngô bận rộn từ sáng đến tối. Chưa bao giờ anh bận bịu đến mức này, từ trước tới nay đều là mình gọi điện cho các ông chủ cửa hàng, nhẫn nhịn năn nỉ họ lấy thêm hàng mà thôi.

Sản phẩm Bát trân của Tiểu Ngô trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp vùng, ai muốn mua Bát trân thì phản ứng đầu tiên của các ông chủ cửa hàng chính là giới thiệu sản phẩm của anh, cứ như đó là đặc sản lưu truyền từ mấy trăm năm trước vậy. Tất nhiên, sau này có nhiều người thấy Tiểu Ngô kiếm tiền dễ dàng quá cũng bắt chước theo, nhưng bấy giờ, sản phẩm của Tiểu Ngô đã có chỗ đứng vững vàng trên thị trường. Bên cạnh đó, Tiểu Ngô còn đi một nước cờ cao tay hơn, mời chuyên gia về săn chuột đồng, bổ sung phần còn thiếu vào Bát trân nên số lượng đặc sản mà xưởng của anh làm ra luôn đầy đủ, trong khi Bát trân của người khác thường bị thiếu mất một, hai món, vì không đủ số lượng nên doanh số của họ cũng bị ảnh hưởng.

Bài học tâm đắc

Tránh những ngành nghề có sự cạnh tranh khốc liệt, tránh những lĩnh vực mà mình không có nhiều ưu thế, thông qua hình thức đóng gói đơn giản, xây dựng thương hiệu của chính mình, tạo ra sức cạnh tranh, đó chính là cách thông minh nhất để tạo ra một thị trường mới từ chỗ không có gì. Trong một thị trường trống trải, luôn có nhiều lợi nhuận và cơ hội hơn một thị trường đã quen thuộc, nhưng để vùng vẫy trong một thị trường như vậy đòi hỏi các ông chủ phải có con mắt phát hiện cái mới và biết cách điều chỉnh, kết hợp các nguồn tài nguyên, nguyên liệu.

Có rất nhiều câu chuyện là minh chứng rõ ràng cho nhận định này, ví dụ trong ngành sửa chữa trùng tu ô tô, mỗi một linh kiện lại do các nhà sản xuất khác nhau tạo ra, người làm nghề cần phải có hiểu biết về tất cả các linh kiện đó thì mới có thể kết hợp chúng đúng cách, tránh trường hợp chọn sai một linh kiện sẽ ảnh hưởng đến chức năng của các bộ phận khác. Có người rất thông minh khi kết hợp các linh kiện cùng đẳng cấp với nhau thành một bộ và đóng gói theo thương hiệu riêng của mình, nếu khách hàng muốn thay đổi phụ tùng hàng loạt thì chỉ cần mua một bộ linh kiện về lắp là được.

Ý kiến bạn đọc