“Có vô vàn cái cớ biện hộ cho thất bại,
nhưng không có cái cớ nào chính đáng cả - MARK TWAIN”
Tại sao có những người thành công hơn những người khác? Tại sao trong cùng một khoảng thời gian nhưng có người kiếm được nhiều tiền hơn, sống hạnh phúc hơn và đạt được nhiều thành tựu hơn đại đa số những người khác? Đâu mới là “bí quyết thành công” đích thực?
Tất cả chúng ta không chỉ có mong muốn giống nhau, mà còn biết phải làm gì để đạt mục tiêu đó. Hơn nữa, ta còn có dự định thực hiện những mong muốn ấy vào một lúc nào đó. Nhưng trước khi bắt tay vào việc, chúng ta lại quyết định rằng mình cần một kỳ nghĩ nho nhỏ ở một vùng đất kỳ ảo mang tên “Đảo Một-Ngày-Nào-Đó”.
Chúng ta nói rằng “Một ngày nào đó, mình sẽ đọc quyển sách này. Một ngày nào đó, mình sẽ bắt đầu chương trình luyện tập kia. Một ngày nào đó, mình sẽ nâng cao kỹ năng và kiếm nhiều tiền hơn. Một ngày nào đó, mình sẽ kiểm soát được tình hình tài chính và trả sạch nợ nần. Một ngày nào đó, mình sẽ thực hiện hết những việc cần phải làm để đạt được mục tiêu. “Một ngày nào đó!”.
Có khoảng 80% dân số dành phần lớn sống trên “Đảo Một-Ngày-Nào-Đó”. Họ nghĩ ngợi, mơ mộng và tưởng tượng những thứ mà họ sẽ thực hiện vào “một ngày nào đó”.
Và ai ở bên cạnh họ trên “Đảo Một-Ngày-Nào-Đó”? Chính là những cư dân khác trên đảo! Và đề tài họ bàn tán chính trên “Đảo Một-Ngày-Nào-Đó” là gì vậy? Là những cái cớ! Tất cả đều “ăn không ngồi rồi” và nói nhau nghe về những cái cớ lý giải cho sự có mặt của mình trên hòn đảo này.
“Tại sao anh đến đây?”, họ hỏi nhau. Và không có gì bất ngờ khi họ có những lý do khá giống nhau: “Tôi có một tuổi thơ bất hạnh”, “Tôi không được học hành đến nơi đến chốn”, “Tôi không có tiền”, “Sếp của tôi khó chịu”, “Tôi có một cuộc hôn nhân nhân chẳng mấy hạnh phúc”, “Chẳng ai coi trọng tôi cả”, hoặc là “Tình hình kinh tế ảm đạm”....
Họ đều mắc phải căn bệnh “viện cớ”, thứ âm thầm giết chết thành công. Tất cả họ đều có những dự định tốt đẹp, nhưng mọi người biết rồi đấy, “Nói thì phải làm, nếu không thì chỉ là lời nói gió bay mà thôi”.
Nguyên tắc thành công đầu tiên rất dơn giản: Hãy cuốn gói khỏi “Đảo Một-Ngày-Nào-Đó”!.
Ngừng viện cớ! Làm hoặc không làm - chứ đừng viện cớ. Đừng nghĩ ra những lý lẽ hay lời biện minh vòng vo cho việc mình không chịu hành động! Lặp đi lặp lại câu này: “Nếu đó là điều xảy ra, tôi phải là người làm nó xảy ra!”.
Kẻ thất bại viện cớ, còn người thành công thực hiện. Giờ thì, làm sao bạn biết những cái cớ mình đưa ra đúng hay sai? Rất đơn giản. Hãy nhìn quanh và tự hỏi, “Có ai viện cớ giống mình mà đạt được thành công không?”.
Nếu thành thật thì khi đặt ra câu hỏi này, bạn sẽ thừa nhận rằng có hàng ngàn, thậm chí hàng triệu người có hoàn cảnh còn tồi tệ hơn bạn nhưng vẫn làm được những điều tốt đẹp cho cuộc đời họ. Và điều mà biết bao người làm được, bạn cũng có thể làm được - nếu bạn nỗ lực.
Nếu người ta dốc sức để chinh phục mục tiêu cũng nhiều như người ta biện hộ cho sự thất bại, thì họ sẽ bất ngờ về chính mình. Nhưng trước hết, bạn phải thoát khỏi “Đảo Một-Ngày-Nào-Đó” đã.