(Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn)
Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chính sách được Đảng và Nhà nước quan tâm nhằm làm thay đổi toàn diện nông thôn cả về chất và lượng. Trong đó phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân là một trong những mục tiêu quan trọng của chính sách xây dựng NTM. Hiện nay, trong tổng thu nhập của người dân nông thôn, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 27%, thu nhập từ các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp và dịch vụ chiếm 73%. Do đó, để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân nông thông trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, hoạt động sản xuất khó đạt được giá trị gia tăng cao, ngoài việc tiếp tục thúc đẩy nông nghiệp, cần phải đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong đó phát triển du lịch là một hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế, khai thác giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn.
Khái niệm, đặc điểm, nguyên tắc của du lịch nông thôn
Khái niệm du lịch nông thôn đã manh nha cùng với sự hình thành của ngành đường sắt ở châu u. Tuy nhiên, mãi đến những năm đầu của thập niên 80 thế kỷ XX, du lịch nông thôn mới được xem là một loại hình du lịch và phổ biến ở hầu hết các quốc gia ở châu u như Pháp, Hung-ga-ri, Bun-ga-ri, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển...
Du lịch nông thôn (rural tourism) được định nghĩa là những trải nghiệm ở vùng thôn quê bao gồm các điểm thăm quan hoặc các hoạt động diễn ra trong khu vực nông nghiệp và không thuộc đô thị (Irshad 2010). Du lịch nông thôn gắn với không gian mở và có các đặc điểm căn bản sau:
Điểm đến là vùng nông thôn. Nền tảng của du lịch nông thôn là nông nghiệp;
Xây dựng dưa trên các đặc trưng của vùng nông thôn về tự nhiên, di sản, xã hội truyền thống, tập quán truyền thống;
Mô hình du lịch nông thôn có thể thay đổi theo thời gian và không gian;
Có thể có nhiều loại hình du lịch khác nhau (du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm…) gắn với tính đa dạng về môi trường, kinh tế và lịch sử của mỗi vùng nông thôn;
Có tính liên ngành và liên vùng cao.
Từ những đặc điểm trên, phát triển du lịch nông thôn phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
(i) Bảo đảm tính công bằng cho các chủ thể tham gia;
(ii) Đem lại lợi ích cho người dân địa phương và phát huy nội lực ở từng địa phương;
(iii) Bảo tồn, phát huy vốn di sản và bảo vệ môi trường;
(iv) Luôn đổi mới và tạo sự khác biệt; tăng cường mối liên kết theo chiều dọc và chiều ngang để làm phong phú thêm sản phẩm;
(v) phát triền bền vững và duy trì được các tính nông thôn đặc trưng.
Du lịch nông nghiệp (agri-tourism) là loại hình du lịch tạo ra sản phẩm phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Mô hình này giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp kết hợp giải trí, mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành Nông nghiệp và Du lịch. Tham gia hình thức du lịch này, du khách được trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp, thưởng thức vẻ đẹp cảnh quan nhân văn do hoạt động sản xuất nông nghiệp tạo ra.
Theo các chuyên gia, có bốn thành tố để được gọi là du lịch nông nghiệp:
(i) Kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp;
(ii) Thu hút du khách đến tham quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp;
(iii) Tăng thu nhập cho nông dân;
(iv) Tạo cho du khách cơ hội giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông. Việc phát triển loại hình du lịch nông nghiệp có tác dụng giúp đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ du lịch hỗn hợp cho du khách, gia tăng luồng du khách đến các vùng nông thôn; kéo dài mùa vụ du lịch trong những thời gian thấp điểm của ngành du lịch. Bên cạnh góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động, du lịch nông nghiệp còn hạn chế khuynh hướng ly hương, thúc đẩy hội nhập và xuất khẩu tại chỗ.
Kinh nghiệm phát triển mô hình du lịch nông thôn trên thế giới
Tùy vào điều kiện nông thôn và mục đích phát triển du lịch nông thôn của từng quốc gia mà ở mỗi nước con đường hình thành và hoạt động cũng như nền tảng cho hoạt động du lịch nông thôn cũng rất khác nhau. Từ đó vai trò chủ đạo, lực lượng thực hiện phát triển du lịch nông thôn cũng khác.
Tại các quốc gia đang phát triển, kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, công nghiệp và đô thị hóa ngày càng phát triển, phát triển du lịch nông thôn được nhìn nhận như một cách làm tăng nguồn thu nhập, hỗ trợ chống đói nghèo và tái tổ chức lại nông thôn thông qua phát triển du lịch nông như một ngành nghề phi nông nghiệp. Phần lớn ở các quốc gia này, phát triển du lịch nông thôn là một phần trong chương trình phát triển quốc gia của Chính phủ. Cộng đồng cư dân nông thôn là lực lượng chính tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch ở nông thôn, dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân văn và xã hội của vùng nông thôn đó.
Du lịch cộng đồng (community-based tourism)
Du lịch cộng đồng bắt nguồn từ đầu thế kỷ XX ở phương Tây, được nhiều tác giả khác nhau căn cứ vào nhiều góc nhìn khác nhau đưa ra các định nghĩa. Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch mang lại cho du khách những trải nghiệm về cuộc sống địa phương, trong đó các cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch và thu được các lợi ích kinh tế - xã hội, chịu trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và văn hóa địa phương. Nhiều quốc gia đang phát triển (Campuchia, Indonesia,…) đã thành công trong việc phát triển của các điển hình tốt dựa trên “phương pháp tiếp cận có sự tham gia” của nguyên tắc 4P và 5A, gồm: Public - Private - People - Partnership (Mối quan hệ đối tác Công - Tư - Người dân) và Attitude - Access - Accommodations - Attractions - Advertising (Thái độ - Khả năng tiếp cận điểm đến - Cơ sở lưu trú - Điểm thu hút - Quảng cáo).
Du lịch dựa vào thiên nhiên/du lịch sinh thái (nature-based tourism/ecotoursim)
“Du lịch sinh thái là du lịch có trách nhiệm với các khu thiên nhiên, là nơi bảo tồn môi trường và cải thiện phúc lợi cho nhân dân địa phương" (Hiệp hội du lịch sinh thái thế giới - Ecotourism society). Du lịch sinh thái đã có bước tăng trưởng nhanh nhất trong các loại hình du lịch, mang lại nguồn thu đáng kể cho nhiều quốc gia. Indonesia đã xây dựng chiến lược tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025 (Luật Du lịch số 10, năm 2009), tập trung nâng cao chất lượng du lịch và đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, hướng mục đích đến năm 2025 sẽ phát triển khoảng 50 điểm đến quy mô quốc gia, với lượng khách quốc tế dự kiến đạt 25 triệu lượt người. Với kế hoạch phát triển đến năm 2025 với nội dung tập trung vào 3 loại hình là du lịch sinh thái, du lịch nông thôn và du lịch biển. Đối với du lịch nông thôn, sẽ triển khai trên 54 điểm, du lịch sinh thái là 50 điểm ở các vườn quốc gia và phát triển du lịch chủ yếu dựa vào cộng đồng. Chính phủ hỗ trợ phát triển bằng việc cho thuê đất với giá rẻ để cộng đồng làm du lịch, đồng thời hướng dẫn và đào tạo cộng đồng về nghiệp vụ du lịch. Các chương trình phát triển du lịch nông thôn tập trung vào 4 nội dung: du lịch có trách nhiệm, phát triển các công viên và vườn (từ năm 2011), phát triển mô hình ‘homestay xanh’ (từ năm 2004), bộ quy chuẩn ‘khách sạn xanh’ (từ năm 2007). Đối với việc phát triển sản phẩm du lịch, Chính phủ nhấn mạnh đến các đặc trưng của cộng đồng bản địa, đặc biệt tại đảo Bali – tôn trọng ý kiến, tập tục và tư duy của người bản địa; nâng cao nhận thức về phát triển du lịch theo một quá trình; ban hành các quy định chặt chẽ và rõ ràng về kiến thức, có quan điểm bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống.
Du lịch nông nghiệp (agritoursism)
Trên xu hướng chung của thế giới là thu hẹp diện tích đất canh tác đất nông nghiệp, tối đa hóa lợi nhuận cho từng tấc đất được coi là nhiệm vụ sống còn cho các quốc gia. Điều này thể hiện rõ ở Nhật Bản, đất nước thường bị ảnh hưởng bởi thiên tai và luôn quản lý chặt chẽ nguồn đất đai. Ở Nhật Bản, theo Sách trắng Du lịch năm 2019, ngoài 8 thành phố được xếp loại đô thị (Tokyo, Kanagawa, Chiba, Saitama, Aichi, Osaka, Kyoto và Hyogo), 41 khu vực còn lại đều được xếp vào diện nông thôn, đồng thời hưởng những ưu đãi về thuế, trợ giá từ Chính phủ. Việc phân loại này nhằm có định danh các khu vực phát triển du lịch dựa vào tiềm năng. Từ năm 1995, Bộ Nông Lâm Thủy sản đã thiết lập chương trình nhà nghỉ nông thôn khắp trên đất nước. Các nhà nghỉ nông thôn này chủ yếu do các nông hộ cá thể hay dựa vào trang trại. Du khách được phục vụ các dịch vụ ăn nghỉ tại các nhà nghỉ nông thôn hoặc tham gia các hoạt động hằng ngày ở đây như trồng trọt, gặt hái, câu cá... Chương trình này đã góp phần làm hồi sinh vùng nông thôn của Nhật Bản vốn được xem là già cỗi và trì trệ từ sau chiến tranh thế giới II. Theo Sách trắng Du lịch năm 2019, tiêu dùng của du khách nước ngoài ở khu vực nông thôn đã đạt 1.036 nghìn tỷ Yên (khoảng 9,67 tỷ USD) trong năm 2018, tăng 58% so với năm 2015.
Ở Hàn Quốc, các tour du lịch nông nghiệp đã đuợc triển khai từ năm 2006 và được xem như một trong những chiến lược phát triển nông thôn chủ yếu nhằm giúp người nông dân bù đắp sự giảm sút thu nhập từ nông nghiệp, đồng thời mang lại cho nông nghiệp Hàn Quốc những chức năng mới được tạo ra bởi những nhu cầu phát sinh từ mối gắn kết nông thôn - thành thị. Bộ Du lịch Hàn Quốc đã xây dựng chính sách thu hút nhiều hơn khách du lịch đến các vùng nông thôn để hỗ trợ phát triển vững chắc hơn cho du lịch địa phương. Hàn Quốc xây dựng sản phẩm đặc trưng cho quốc gia là du lịch gắn với văn hóa truyền thống, tìm kiếm và tái tạo những tiềm năng văn hóa độc đáo trở thành sản phẩm du lịch có chất lượng cao. Năm 2015, Bộ Du lịch đã lựa chọn 10 chủ đề du lịch văn hóa truyền thống, điển hình như di tích lịch sử, văn hóa (gắn với nhà văn hóa và triều đại Joseon), lối sống truyền thống (y học, trang phục và đồ gốm Hàn Quốc)…Hàn Quốc đẩy mạnh các hoạt động quảng bá và marketing du lịch nông thôn: tổ chức các hội chợ du lịch quốc tế và các sự kiện quảng bá du lịch; Xây dựng chiến lược thị trường mới, chú trọng thị trường trọng điểm (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ,…) và các thị trường chi trả cao như Trung Đông và Nga; Tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch thông qua cải thiện thủ tục cấp visa, cải tiến thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh dễ dàng, tự động hóa cao; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng cho ngành du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch thông minh; Cải thiện điều kiện giao thông xuyên biên giới, các đường bay, và quảng bá chính sách tự do hóa hàng không; Phát triển thị trường dựa trên sự lớn mạnh của công ty tư nhân và thúc đẩy mô hình quảng bá du lịch dựa trên mối quan hệ đối tác công tư; Cộng đồng khởi nghiệp Hàn Quốc với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thành lập “Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tiềm năng” (tourism venture incubation center), với các dịch vụ tư vấn phù hợp (quản lý tài chính, pháp lý, marketing…)
Trung Quốc, với diện tích rộng lớn, bề dày lịch sử, truyền thống và dân số 1,4 tỷ dân, là nước có quy mô tổ chức du lịch nông thôn lớn nhất thế giới. Từ năm 1990, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố một chương trình du lịch nông thôn nhằm mục đích chống đói nghèo tại một số tỉnh như Vân Nam, Quảng Đông... Từ năm 2006, chính phủ Trung Quốc đã tổ chức năm du lịch quốc gia về du lịch nông thôn, với chủ đề “Chống đói nghèo bằng con đường phát triển du lịch nông thôn”, nhằm thực hiện tốt mối quan hệ tương hỗ giữa thành thị và nông thôn. Theo thống kê của Tổng cục du lịch quốc gia Trung Quốc, hàng năm 70% du khách từ khu vực thành thị chọn đến các vùng nông thôn trong "3 tuần nghỉ vàng" vào tháng 5, tháng 10 và thời gian diễn ra Lễ hội Mùa xuân. Các điểm du lịch ở nông thôn thu hút khoảng 60 triệu du khách vào các kỳ nghỉ lễ lớn này. Chính quyền nhiều tỉnh đã xây dựng các tuyến du lịch nông nghiệp đặc sắc như Quảng Tây (15 tuyến du lịch nông nghiệp với 251 vườn du lịch sinh thái), Hải Nam (133 vườn du lịch nông nghiệp), …tạo ra hàng chục nghìn việc làm, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân bản địa và đạt doanh thu hàng chục triệu USD mỗi năm. Từ năm 2017, Trung Quốc tiếp tục triển khai các các chính sách phát triển du lịch nông thôn nhằm thúc đẩy sự hồi sinh của khu vực nông thôn. Kế hoạch đặt ra là lập danh sách các làng du lịch quốc gia. Lần lượt, 320 làng (tháng 7/2019) và 680 làng (tháng 7/2020) trong cả nước đã được công nhận trong danh sách các làng du lịch nông thôn trọng điểm cấp quốc gia. Các ngôi làng trong danh sách phải đáp ứng các tiêu chí: giàu văn hóa, tài nguyên du lịch phong phú, các đặc trưng văn hóa nông thôn được bảo tồn và có các lựa chọn lưu trú đáp ứng yêu cầu của khách. Lượng du khách tới các điểm du lịch tại khu vực nông thôn không ngừng gia tăng: 1,3 tỷ lượt khách năm 2016, 2,5 tỷ lượt khách năm 2017, và 3,2 tỷ lượt khách năm 2019 (đạt doanh thu 859 tỷ NDT (119,4 tỷ USD).
Đài Loan cũng đã triển khai thực hiện mô hình du lịch nông nghiệp từ những năm 80. Năm 1998, du lịch nông nghiệp đã trở thành một phần của phát triển nông thôn, góp phần tác động tích cực đến sự phát triển nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân và cải thiện mức sống ở những vùng nông thôn một cách có ý nghĩa. Đến năm 2017, Chính phủ Đài Loan đã quy hoạch hơn 82 khu vực để phát triển du lịch nông nghiệp với mục tiêu phát triển thành một ngành kinh tế mới, tạo ra thu nhập tốt cho người nông dân, bảo vệ tính đa dạng của nền kinh tế và lý do quan trọng nhất là nhằm bảo vệ nền nông nghiệp có lịch sử hàng trăm năm của Đài Loan. Các khu vực du lịch nông nghiệp được xây dựng dựa trên nền tảng cụm kinh tế và các trang trại du lịch tư nhân đã tạo nên làn sóng du lịch nông nghiệp ở Đài Loan…
Người Đài Loan có một triết lý, nông trại là nơi lưu giữ mọi khoảnh khắc của con người từ lúc sinh ra đến lúc trưởng thành, về già. Do đó, hình thức du lịch nông trại đã phát triển. Hiện nay, Đài Loan có 400 trang trại du lịch nông nghiệp (farmstay) trên khắp cả nước. Đài Loan có Hiệp hội phát triển trang trại du lịch (thành lập từ năm 1998) với hơn 200 trang trại thành viên và có Chương trình chứng nhận các điểm đến du lịch nông nghiệp (special agro-tourism spots certified). Với những cách làm hiệu quả và phù hợp, mô hình du lịch nông nghiệp ở Đài Loan đã mang lại thành công ngoài mong đợi của những người kiến tạo ra nó. Năm 2016, 25,5 triệu lượt du khách ở khu vực nông thôn, trong đó có 0.47 triệu lượt khách quốc tế. Đài Loan đã không chỉ bảo tồn được ngành nông nghiệp của họ, mà còn chặn đứng được sự đô thị hóa do quá trình công nghiệp hóa xâm lấn xuống các vùng nông thôn, các cảnh đẹp thiên nhiên được bảo tồn, sự đa dạng sinh học không bị phá hủy. Sản phẩm nông nghiệp du lịch của Đài Loan hiện đã theo chân du khách đi khắp thế giới, tạo ra thu nhập không nhỏ cho cộng đồng cư dân địa phương…
Nhiều nước trên thế giới triển khai các hoạt động du lịch gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các nước đi đầu trong việc phát triển các hoạt động du lịch gắn với học hỏi, nghiên cứu, trải nghiệm các thành quả khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp như Israel (ví dụ: mô hình điểm mô hình ứng dụng công nghệ cao trong việc cải tiến thung lũng Avara ở Israel thành điểm du lịch vườn địa đàng của Thế giới (Garden of Eden); Hà Lan (Hơn 200 khu trồng rau, hoa thuộc 12 vùng của Hà Lan mở cửa đón khách thăm quan vào dịp Ngày “Thăm nhà kính” toàn quốc hàng năm)….
Ở Thái Lan, du lịch nông thôn đã phát triển khá nhanh, thu hút nhiều du khách nội địa và quốc tế. Chính phủ đã có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch nông thôn theo mô hình các trang trại hoặc các khu làng khép kín, có đầy đủ các dịch vụ phục vụ du khách. Từ năm 2016, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) đã đẩy mạnh việc phát triển du lịch dựa vào cộng đồng địa phương trên toàn quốc, giúp tăng thu nhập cho người dân bằng cách thúc đẩy du lịch nông nghiệp. Điều này vừa mang đến cho du khách cơ hội thưởng thức các hoạt động sinh thái thân thiện, trải nghiệm cuộc sống nông thôn, vừa giúp giảm áp lực cho nhiều địa điểm du lịch đã trở nên quá tải. Các mô hình du lịch cộng đồng được xây dựng với tiêu chí cùng sáng lập, phương pháp tiếp cận có sự tham gia và tiếp cận từ dưới lên. Với 70.000 làng nghề thủ công ở 7.255 tambon (sub-district), Thái Lan cũng đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề, trong đó đặc biệt gắn với Chương trình Mỗi Xã Một sản phẩm (One Tambon One Product - OTOP). Mỗi làng nghề một sản phẩm không có nghĩa là mỗi làng chỉ có một sản phẩm mà mỗi làng có kỹ năng, văn hóa, truyền thống… riêng kết tinh trong sản phẩm trở thành đặc trưng riêng của làng nghề trong sản phẩm. Chính phủ hỗ trợ kết nối địa phương với toàn cầu, thông qua việc hỗ trợ tiêu chuẩn hóa sản phẩm, hoàn tất đóng gói, tiếp thị, tổ chức kênh phân phối ở hải ngoại. Việc tổ chức lại các làng nghề truyền thống và đạt được nhiều kết quả: bảo tồn và nâng cao kỹ năng tay nghề nghệ nhân, gìn giữ văn hóa truyền thống, tạo việc làm ở nông thôn, ngăn làn sóng di cư ra đô thị, tạo ra sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm du lịch. Từ năm 2020, TAT phát động giải thưởng du lịch nông thôn, gồm Top 5 làng du lịch nông thôn (Rural Tourism Village) và Top 5 làng du lịch OTOP (OTOP Tourism Village).
Malaysia đã có các chương trình phát triển du lịch tổ chức ở nông thôn từ những năm 1995 do Bộ Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch khởi xướng để giới thiệu các môn thể thao, trò chơi và văn hóa truyền thống Malaysia. Trong chiến lược chung của Malaysia về chuyển dịch kinh tế, ngành du lịch xây dựng kế hoạch chuyển dịch phát triển du lịch đến năm 2020 tập trung vào việc phát triển sản phẩm và thị trường với mục tiêu chính là tập trung vào thị trường có khả năng chi trả cao, đẩy mạnh chương trình tiêu dùng của khách du lịch. Hai hướng chính trong quan điểm phát triển là: (i) bảo vệ, bảo tồn và giữ gìn môi trường: phát triển du lịch xanh, giải thưởng khách sạn xanh, chiến dịch quốc gia về một Malaysia xanh, một Malaysia sạch; và (ii) phát triển toàn diện, chú trọng tính cân bằng và tính bền vững (tầm quan trọng của lợi ích cộng đồng).
Bài học cho Việt Nam trong phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn
Sự khác biệt về du lịch nông thôn ở các quốc gia phát triển và quốc gia đang phát triển là ở chỗ: tại các quốc gia đang phát triển, du lịch nông thôn là giải pháp nhằm đa dạng hóa thu nhập từ nông nghiệp, góp phần chống đói nghèo, phát huy sức mạnh nội lực của cộng đồng, bảo tồn các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường. Vì vậy, du lịch nông thôn ở các nước này phát triển theo chiều rộng. Còn ở các quốc gia phát triển thì loại hình du lịch này lại phát triển theo chiều sâu mà nguyên nhân chính là do các khu vực nông thôn ngày càng bị thu hẹp lại.
Kinh nghiệm triển khai du lịch nông thôn trên thế giới cho thấy tùy thuộc vào bản chất và đặc trưng các loại hình tài nguyên hiện có mà các quốc gia lại lựa chọn phương thức phối hợp khác nhau giữa ba nhóm sinh thái, lịch sử - văn hoá và sự tham gia của cộng đồng dựa trên nguyên tắc vận dụng lý thuyết và tham vấn cộng đồng. Trong tất cả các xu hướng ấy, các nước u – Mỹ thiên về xu hướng khai thác sự cộng cảm giữa du khách với quá khứ (di sản) và hiện tại (sinh hoạt lễ hội, gặp gỡ - đối thoại với cộng đồng); trong khi đó các nước đang phát triển (Á, Mỹ La tinh) thiên về cung cấp dịch vụ homestay và cơ chế cấp cho du khách một địa vị “người trong cuộc” (insider) trước khi tạo điều kiện cho họ tương tác, trải nghiệm.
Đến nay, chưa có một mô hình du lịch nông thôn mang tính toàn cầu có thể có thể áp dụng ở tất cả các nước. Tại Việt Nam, du lịch nông thôn hiện rất đa dạng về hình thức: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch di sản, du lịch văn hóa….Nhưng từ qúa trình phát triển du lịch nông thôn ở một số quốc gia và vũng lãnh thổ có thể rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam.
Thứ nhất, chính sách phát triển của Nhà nước
Theo Trigano (1980), nông thôn là nơi cuối cùng có tiềm năng phát triển du lịch vô hạn và cũng là nơi ít gặp trở ngại nhất trong việc đổi mới. Vì vậy, hầu hết các quốc gia đánh giá đúng tầm quan trọng việc phát triển du lịch ở nông thôn và có các chính sách phát triển sớm loại hình du lịch này đều thành công: các nước Bắc u, Trung u (1950), Nam u (1970), Bắc Mỹ (1970, 1980), Trung Quốc (1980), Hàn Quốc (1984), Nhật Bản (1995), Malaysia (1995)…Ngoài ra, các quốc gia thành công về du lịch nông thôn đều theo đuổi các chính sách dài hạn, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành và tổ chức khác nhau. Ví dụ: Chương trình nông trại du lịch của Hàn Quốc ra đời từ 1984 do Bộ Nông Lâm điều hành nhằm hỗ trợ các hoạt động du lịch theo mô hình nông trại du lịch và các quán trọ nông trại với sự phối hợp của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông Lâm, Bộ Hải vụ và Ngư nghiệp, Cơ quan quản lý Phát triển Nông thôn và Trung tâm Dịch vụ Lâm nghiệp Hàn Quốc. Bên cạnh đó, các quốc gia này thực hiện chính sách phát triển minh bạch và đối tượng hưởng lợi được ưu tiên là cộng đồng ở nông thôn, nhất là các vùng xa xôi hẻo lánh.
Thứ hai, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù
Nhu cầu của khách du lịch ngày càng cao và đa dạng đòi hỏi các quốc gia muốn phát triển du lịch cần phải có các sản phẩm đặc thù để tăng tính hấp dẫn và độc đáo cho điểm đến. Dựa vào đặc tính sản phẩm du lịch đặc thù và tài nguyên du lịch của từng địa phương, người châu u đã sớm xây dựng các sản phẩm đặc thù về du lịch để thu hút khách du lịch đến các vùng nông thôn. Tại Hà Lan, sản phẩm du lịch nông thôn dựa vào hoạt động cắm trại trong các trang trại, thăm quan các cánh đồng hoa rộng lớn, khám phá hệ thống kênh rạch. Tại Pháp, hoạt động du lịch nông thôn dựa vào các trang trại trồng nho và cây ăn trái, cơ sở sản xuất rượu vang ở nông thôn. Israel hướng vào việc quảng bá, giới thiệu các hoạt động du lịch trải nghiệm các công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp. Còn Nhật Bản và Đài Loan phát triển du lịch dựa vào nông trại nông thôn. Như vậy, sản phẩm du lịch đặc thù đã góp phần cho thành công của các quốc gia này trong việc thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch và phát triển du lịch nông thôn
Thứ ba, sự tham gia của các hiệp hội
Tại châu u, bên cạnh các kinh nghiệm vừa kể trên, việc phát triển du lịch nông thôn có sự hỗ trợ to lớn của các hiệp hội khu vực và của từng quốc gia. Ở tầm khu vực có sáng kiến LEADER. Từ năm 2012, châu u đã phát triển 23 087 nhóm hành động địa phương trên lãnh thổ 27 quốc gia thuộc Liên minh châu u để thực hiện Chiến lược phát triển địa phương thông qua phương pháp tiếp cận của LEADER. Đối với hoạt động du lịch nông thôn, LEADER hỗ trợ tư vấn phát triển và các chiến lược marketing để thu hút khách du lịch cho từng thành viên tham gia. Ở cấp độ quốc gia, các nước châu u còn có hiệp hội quốc gia, hiệp hội cấp vùng và hiệp hội cấp tỉnh để thúc đẩy các hoạt động du lịch nông thôn phát triển. Ở Ý có Hiệp hội toàn quốc về nông nghiệp và du lịch được sáng lập từ những người nông dân trẻ và các nhà kinh tế. Mục tiêu hoạt động của tổ chức này hướng đến bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ vùng nông thôn. Tại Pháp, Hiệp hội Accueil Paysan do nông dân thành lập có khoảng 1100 hội viên (đa số tại Pháp và 34 quốc gia trên thế giới). Chức năng chính của Accueil Paysan là: (1) quảng bá, (2) tập huấn, (3) tìm kiếm đối tác và (4) xin tài trợ để hỗ trợ các thành viên trong mạng lưới.
Thứ tư, sự tham gia của cộng đồng địa phương
Phát triển du lịch nông thôn ở bất kỳ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào thì sự tham gia của cộng đồng địa phương cũng đóng vai trò sống còn trong các dự án. Cộng đồng địa phương có ảnh hưởng lớn đối với sản phẩm du lịch (Hall, Kirkpatrick, and Mitchell 2005). Để đạt được hiệu quả bền vững, cộng đồng địa phương (trực tiếp là các hộ dân sống trong khu vực triển khai hoạt động du lịch, những người cam kết tham gia vào hoạt động này) là thành phần chính trong bất kỳ chiến lược, chương trình phát triển du lịch nào (Goodwin and Santilli 2009). Họ vừa là người sở hữu, vận hành, quản lý và thụ hưởng phần lợi ích quan trọng thu được từ hoạt động du lịch. Các tác nhân khác trong chuỗi giá trị du lịch là: doanh nghiệp, công ty du lịch trong tiếp cận thị trường, tìm hiểu và tìm kiếm khách hàng, tổ chức, cung cấp vốn đầu tư và các dịch vụ làm cầu nối đưa du khách đến các điểm du lịch; chính quyền địa phương đóng vai trò trung gian, giữa các doanh nghiệp, công ty du lịch với cộng đồng địa phương và có thể đưa ra phán quyết phân xử khi có tranh chấp.
Lời kết
Tổ chức du lịch Thế giới (UNWTO) đặt chủ đề của năm 2020 là Năm Du lịch và Phát triển nông thôn (Year of Tourism and Rural Development). Đây là dịp để quảng bá tiềm năng du lịch của khu vực nông thôn nhằm tạo việc làm, thúc đẩy sự hòa nhập và hội nhập của khu vực nông thôn, làm nổi bật vai trò độc đáo của du lịch trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa và thiên nhiên của khu vực nông thôn, hạn chế di cư từ nông thôn ra thành thị.
Ở Việt Nam, khu vực nông thôn chiếm 80% diện tích tự nhiên và 67% dân số, được phân bố theo 7 vùng sinh thái phù hợp với đặc điểm tài nguyên du lịch (tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn) gắn với vùng kinh tế, vùng văn hóa, vùng địa lý khí hậu… Với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi vùng đều có những đặc trưng, bản sắc riêng về lịch sử, truyền thống, văn hóa, ẩm thực…Đây là những điều kiện và tiềm năng to lớn cho phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn. Ví dụ: du lịch cộng đồng ở vùng trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, du lịch lịch sử và di sản ở duyên hải Trung Bộ, du lịch nông nghiệp và du lịch làng nghề truyền thống ở đồng bằng sông Hồng, du lịch trải nghiệm nông nghiệp công nghệ cao ở Tây Nguyên hay Đông Nam Bộ, du lịch miệt vườn và du lịch sinh thái ở đồng bằng Sông Cửu Long
Du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, động lực thúc đẩy mục tiêu xây dựng NTM. Đồng thời, NTM là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch. Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu chính trị quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM bền vững. …. Quản trị và phát triển du lịch nông thôn cần sự tham gia của nhiều tác nhân trong chuỗi giá trị du lịch. Du lịch nông thôn đem lại rất nhiều tác động tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Tuy nhiên rủi ro quan trọng nhất đối với khu vực nông thôn là tác động tiêu cực của các kỳ vọng lợi ích kinh tế đối với tài nguyên thiên nhiên. Do đó, việc thương mại hóa quá mức và hàng hóa các nguồn và sản phẩm nông thôn có thể làm giảm lượng khách du lịch đến khu vực nông thôn. Các nguy cơ khác bao gồm tăng chi phí sinh hoạt và giá đất, ô nhiễm và rác thải, gia tăng tiếng ồn, tắc nghẽn giao thông, đánh mất bản sắc cộng đồng… Vì vậy, quy hoạch được quản lý tốt và xác định năng lực du lịch tại các vùng nông thôn là rất quan trọng trong xây dựng NTM.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Beeton, Sue. 2004. “Rural Tourism in Australia — Has the Gaze Altered? Tracking Rural Images through Film and Tourism Promotion.” International Journal of Tourism Research 6 (3): 132–33. https://doi.org/10.1002/jtr.479.
George, E. Wanda, Heather Mair, and Donald G. Reid. 2009. Rural Tourism Development: Localism and Cultural Change. Channel View Publications.
Goodwin, Harold, and Rosa Santilli. 2009. “Community-Based Tourism: A Success?” ICRT Occasional Paper.
Hall, Derek, Irene Kirkpatrick, and Morag Mitchell. 2005. Rural Tourism and Sustainable Business. Rural Tourism and Sustainable Business. Channel View Publications. https://www.degruyter.com/view/title/573644.
Irshad, Humaira. 2010. “Rural Tourism: An Overview.” Alberta: Government of Alberta.
Streimikiene, Dalia, and Yuriy Bilan. 2015. “Review of Rural Tourism Development Theories.” Transformations in Business & Economics 14 (2 (35)): 21–34.
Trigano, G. 1980. Consommation de Loisirs et Nouvelle Convialité. Temps Libre.