Biết đủ, là đủ, chờ cho đủ thì bao giờ mới đủ?
Mấy tháng rồi dân tình nháo nhào khi vàng tăng phi mã chạm mốc 60 triệu/lượng, trong khi mới một năm trước đó thì giá vàng chỉ dưới 40 triệu/lượng. Người người có tiền thì đổ xô đi mua vàng, nhà nhà có vàng thì đổ xô đi bán vàng kiếm lời trong thời buổi đại dịch Covid-19 xoay vòng vốn gặp nhiều khó khăn.
Một người em mới hỏi mình có đi mua vàng không, vì giá vàng vẫn sẽ còn tăng đều. Mình mới bảo em rằng mình không có nhu cầu tích trữ, vì tạo hóa luôn có đủ cho mọi người. Đa số những người kéo nhau đi mua vàng vì hai tâm lý:
1. Lo sợ sự bất trắc trong tương lai nên muốn tích trữ vàng để dự phòng. (người bình thường)
2. Xem vàng như một kênh đầu tư để tích trữ lúc giá ở đáy và bán ra khi giá lên đỉnh để kiếm lời. (dân đầu tư)
Cá nhân mình không sợ sự bất trắc trong tương lai, cũng không có nhu cầu đầu tư vào vàng để kiếm lời, nên chuyện mua vàng tích trữ với mình là không cần thiết. Còn quý vị nào dư tiền, rảnh tiền thì nên mua vàng để dành nếu có nhu cầu.
Công chuyện của một con thỏ
Gia đình Adam sống trong một túp lều nhỏ ở thời buổi hồng hoang lịch sử của loài người. Một ngày họ, hai cha con Adam và Abel đi săn trong rừng sâu nhưng cả ngày trời không săn được gì. Trong lúc chán nản trên đường trở về nhà, một con dê đi ngang qua và Adam giết nó, dự là tối nay gia đình Adam sẽ có một bữa ăn no nê.
Khi đi qua một con suối lúc chiều tà, cậu con trai Abel nhìn thấy một con thỏ bên bờ suối. Rất nhanh chóng, Abel giơ chiếc lao lên định phóng vào con thỏ, nhưng Adam ngay lập tức đã ngăn con trai lại. Con thỏ nghe thấy tiếng động nên giật mình bỏ chạy. Abel bực bội và thắc mắc, “Tại sao cha lại ngăn con lại? Lẽ ra là con có thể giết nó được rồi!”. Lúc này, Adam ngây thộn ra và chẳng thể nghĩ ra cách nào để đáp lại câu hỏi của con trai, mà anh lầm bầm: “Con thỏ đó có một số công chuyện riêng của nó cần phải hoàn thành”.
Đêm đó ở trong lều, sau khi con dê đã được làm thịt và ai nấy đều no nê, thấy cậu con trai Abel vẫn còn bối rối về câu chuyện xảy ra lúc chiều, Adam mới kể cậu nghe hai mẩu chuyện.
Câu chuyện 1: Một ngày nọ, con đi săn một mình trong rừng và trên đường đi thì gặp phải một con sư tử đang đi về hang. Cả ngày hôm đó con sư tử này đi ăn nhưng không được gì, nó biết cả nhà nó sẽ phải nhịn đói vào tối hôm đó. Thế là, nó nhảy bổ vào con, giết chết con và tha về ổ.
– Giờ nói ta nghe, con nghĩ sao về câu chuyện này, và ta sẽ phải làm gì nếu điều này thực tế đã xảy ra với con.
– Con nghĩ là cha sẽ khóc thương cho con.
– Con nói đúng rồi. Ta sẽ khóc thương cho con, nhưng ta sẽ không giận con sư tử vì việc nhận lấy cái mà Chúa đã gửi đến cho cơn đói của nó.
Câu chuyện 2:
Một ngày nọ, con đi săn một mình trong rừng và trên đường đi thì gặp phải một con sư tử đang đi về hang. Con sư tử này thì khác, nó đang tha một con dê trong hàm răng của nó. Nhưng lúc trông thấy con, nó thả con dê ra và nhảy bổ vào con với ý nghĩ, “Ta sẽ có được con dê và cả thằng nhóc này nữa”.
– Giờ nói ta nghe, con nghĩ sao về câu chuyện này, và ta sẽ phải làm sao nếu điều này đã xảy ra với con thật.
– Con nghĩ không có con sư tử nào mà lại làm thế.
– Con sai rồi. Có một loại sư tử nhất định sẽ làm thế, và ta sẽ truy lùng nó và giết chết nó, bởi vì nó là một con sư tử đã phát điên, một con sư tử giết bất cứ cái gì nó trông thấy, vượt trên cả nhu cầu. Con dê là của chúng ta; Chúa đã gửi nó đến cho chúng ta như một món quà. Nhưng con thỏ thì vẫn thuộc về Chúa; nó có thêm một giờ nữa hoặc một ngày nữa hoặc một năm nữa để sống ở trong tay chúa. Giết nó thì sẽ là cướp cái thuộc về Chúa, và như thế sẽ là phạm tội giết chóc.
Ta sẽ giết mọi con vật trên thế gian này để chỉ mình ta có thể sống. Ta sẽ ăn con thỏ mà đáng lẽ ra là của con cáo, và thế là con cáo sẽ chết; ta sẽ ăn con linh dương mà đáng lẽ là của con sói, và con sói sẽ chết; nhưng ta thì sẽ sống. Ta sẽ quyết định ai được ăn và ai phải chết đói, ai được sống và ai phải chết. Làm như thế ta sẽ sống mãi và soán ngôi các thần linh. Và sự điên rồ này biến con sư tử thành một kẻ giết hại mọi sự sống.
Câu chuyện trên được mình tóm lược lại từ một truyện trong cuốn sách “Tales of Adam” của Daniel Quinn (bản trích dịch của Tuan Kiuti Di). Người thầy vĩ đại nhất dạy cho chúng ta về sự đầy đủ chính là thiên nhiên và những quy luật tự nhiên của Trái Đất. Trong tự nhiên, khi một con sư tử đã săn được một con dê, dù cho thấy một con thỏ, nó cũng sẽ bỏ qua mà đi về ổ, chứ không có ào ào nhào tới táp luôn con thỏ. Không chỉ riêng gì con sư tử mà nhiều loài thú săn mồi khác trong tự nhiên cũng thế, như khi một con trăn nuốt chửng được một con bò, nó sẽ cần tới cả tháng để nghỉ ngơi và tiêu hóa cho hết thịt xương con bò đó, chứ không phải thấy con gì khác cũng ních cho đầy bụng. Như Adam trong câu chuyện đã nói, chỉ có những con sư tử “phát điên” mới giết tất cả những con vật mà nó trông thấy, ngay cả khi nó không có nhu cầu ăn.
Sở dĩ con sư tử không ăn tham vì nó biết rằng nếu nó cứ giết chóc bừa bãi như vậy thì nguồn thức ăn của chính nó rồi sẽ cạn kiệt. Các loài thú ăn cỏ khác sẽ chẳng thể nào kịp sinh trưởng để đáp ứng nhu cầu của cả bầy sư tử. Tạo hóa luôn an bài cho con người sống đủ đầy, nếu họ biết xài vừa đủ. Nhưng thực tế, con người là một giống loài lắm lúc “phát điên” như con sư tử dại kia, họ không biết đủ là đủ, nên cứ thích tích trữ cho đầy để thỏa mãn lòng tham, và sự tích trữ đó đôi khi vượt quá nhu cầu của chính họ.
Những ai sống ở vùng biển sẽ biết một thuật ngữ gọi là “giã cào”. Thông thường, tàu thuyền chỉ được cấp phép đánh bắt ở ngoài khơi và những vùng biển nhất định. Nhưng khi vào mùa cá nam hằng năm (tháng 7 đến tháng 10 âm lịch), các loài thủy hải sản vào vùng biển ven bờ và vùng lộng (vùng gần vùng biển ven bờ) để sinh sản, các tàu giã cào có công suất lớn – vốn bị cấm không được khai thác ở các vùng biển này – bất chấp quy định ép sát bờ để vơ vét và tận thu triệt để nguồn thủy hải sản này. Dĩ nhiên, tất cả cũng chỉ vì lợi ích cá nhân, vì một chuyến giã cào như vậy có thể đem lại nguồn thu lên tới hàng trăm triệu đồng.
Từng chứng kiến những chủ tàu sau chuyến giã cào về, nhận những cọc tiền và xếp đầy lên mặt bàn nước trước mắt, bỗng dưng chúng tôi cảm thấy “rùng mình”. Vì lợi ích trước mắt, họ bất chấp cả việc tận diệt mọi nguồn lợi của biển, chính là nơi sinh kế lâu dài của họ và con em họ. (Phóng viên Tuệ Minh – Báo Nhân Dân)
Đọc qua mẩu tin trên, chúng ta có thể hiểu thêm được lý do vì sao nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, nhiều loài sinh vật ở rừng hay ở biển cách đây 5, 10 năm từng rất phổ biến, giờ trở nên cực kỳ khan hiếm, có khi đã tuyệt chủng. Bởi lẽ, khi chúng từ vùng biển rộng bơi vào ven bờ để sinh sản, ngư dân đã tận diệt luôn cả mẹ lẫn con, và không có một thế hệ kế thừa nào có thể tiếp tục duy trì và phát triển được trong cơn cuồng loạn đầy tham lam của loài người.
Ngư nghiệp chỉ là một khía cạnh nhỏ trong đời sống nhân loại, bên cạnh vô vàn khía cạnh khác nơi lòng tham như mẻ lưới giã cào luôn bủa vây khắp ta bà nhân thế để vơ vét cho đầy túi tham. Khi một người tích trữ sao cho đầy thì người đó thừa, nhưng sẽ có một người khác thiếu. Khi đó, chúng ta vô tình làm đứt gãy chu trình của tự nhiên, và thiên nhiên sẽ trả lại cho con người gấp nhiều lần những thứ mà con người đã lấy qua những cơn cuồng nộ của thiên tai, động đất, sóng thần, bão lũ, dịch bệnh, v.v.
Ngộ nhận về sự đủ đầy
Có hai ngộ nhận lớn nhất của con người về sự đủ đầy:
1. Không có đủ: Chúng ta hay nhầm tưởng rằng sự thiếu thốn là không có đủ, và mặc định rằng tạo hóa không có đủ cho tất cả mọi người. Nào là ta không có đủ đất, không có đủ nước, không có đủ thức ăn, không có đủ thời gian, không có đủ tiền. Chính vì sợ thiếu đủ thứ, người ta mới lao vào làm mọi thứ có thể (ngay cả những việc mình không thích hay không muốn làm, và ngay cả những việc bất chấp thủ đoạn hay luân thường đạo lý) để trở nên thành công vang dội, để có thật nhiều tiền, để không bị tụt lại phía sau người khác.
2. Càng nhiều càng tốt: Khi sợ rằng sẽ không có đủ, chúng ta sẽ cố gắng kiếm thêm càng nhiều càng tốt để có được nhiều hơn lượng mình hiện có, dù cho nó vượt quá nhu cầu. Và thế là, mọi người bắt đầu tăng tốc chạy đua với nhau, cạnh tranh khốc liệt để giành giật, tích trữ, thu thập những thứ đáng giá để thỏa mãn lòng tham của mình.
Hệ quả của (1) là chúng ta không bao giờ cảm nhận được sự viên mãn trong đời sống, vì tâm trí lúc nào cũng thấy mình là kẻ thiếu thốn, thiếu đủ thứ. Hệ quả của (2) là chúng ta luôn không ngừng so sánh bản thân mình với người khác, tài sản của mình với người khác, và đời sống không bao giờ cảm nhận được sự bình yên vì lúc nào cũng phải xoay vần trong cuộc chác lợi mua danh.
Giống như khi ta ăn một món ăn, ăn trong chánh niệm là tập trung vào khoảnh khắc hiện tại, tận hưởng mùi vị của món ăn và tài nghệ của người đầu bếp (hay của chính mình). Nhưng khi ta ăn quá nhanh và ăn quá nhiều, ta chẳng cảm nhận được gì cả, vì ta ăn cốt để no chứ không phải để thưởng thức món ăn. Những người sống trong hai sự ngộ nhận kể trên, họ luôn liên tục tập trung vào những thứ tiếp theo trong đời sống của họ – chiếc túi hàng hiệu tiếp theo, chiếc xe tiếp theo, căn nhà tiếp theo, chuyến đi du lịch nước ngoài tiếp theo, công việc tốt hơn tiếp theo, v.v. Cuộc chạy đua không bao giờ đi đến hồi kết, trừ khi một biến cố to lớn xảy ra trong cuộc đời để thực hiện vai trò của một cú tát giúp họ thức tỉnh.
Một người bạn của mình có quen một chị bạn rất giàu, nhà và xe của chị nhiều đến nỗi, khi bạn nói định ghé tới chơi nhà chị, thì chị phải hỏi lại đó là cái nhà nào mới được. Tiền của chị cũng bận rộn như đời sống của chị, nó không bao giờ ở yên một chỗ, mà sở thích của chị là đi coi đất, coi nhà, nhắm chỗ nào được thì mua đứt, từ Sài Gòn, Hà Nội cho đến Lâm Đồng, Bình Thuận, chỗ nào có đất tốt chị đều đi coi để mua để dành. Ấy vậy mà chị lại có một nỗi sợ, là sợ mất tiền, khi thì sợ làm ăn thua lỗ, khi thì sợ bị người khác lừa đảo, khi thì sợ mình không có đủ tiền khi về già. Thuyền to thì sóng lớn, người lèo lái thuyền lớn ra khơi thì luôn sợ bão giông và đủ thứ chuyện xảy ra trên đời.
Điểm tréo ngoe của cuộc đời là một số người tích trữ được số của của cải có thể giúp họ sống được 3 hay 5, 10 lần cuộc đời hiện tại, nhưng họ lại ngày đêm lo lắng về chuyện bị mất tiền và làm sao kiếm thêm được nhiều tiền hơn nữa. Một số người khác, khi nhìn vào phần thừa của những người đã tích trữ quá nhiều, thì lại thấy rằng bản thân mình thiếu. Như gần đây trên báo chí có đưa một tin, một cô là phụ hồ tích cóp được một số tiền 6 triệu đồng nhưng chẳng may bị mất, và cô đã treo cổ tự tử bên trong phòng trọ của mình. Trong khi đó, một buổi đi shopping thả giàn của một cô người mẫu nổi tiếng có thể tiêu tốn lên tới gần 5 tỷ bạc.
Khi chúng ta đem hai mảnh đời đó lên một bàn cân để so sánh về sự giàu – nghèo, ta cảm thấy chua chát về sự bất công trong cuộc đời, nhưng vốn dĩ cuộc đời đâu bất công với ai. Đâu ai ép người lao động kia phải tự tử, vì mất tiền đâu phải là đường cùng để kết thúc một cuộc đời. Ở thế kỷ 21 này, trừ một số vùng còn lạc hậu trên thế giới mới còn tồn tại nạn đói, chứ chẳng ai phải chết vì đói như thời nạn đói 1945 ở Việt Nam. Mới đây, một cô MC, diễn viên nổi tiếng có lên báo chia sẻ chuyện thường xuyên nhập viện, ngất xỉu, sụt đến 10kg vì làm việc quá sức, nói thì nói vậy nhưng thực tế cô này vẫn mở thêm một công ty, show thì vẫn nhận đều đều, rồi vừa mới mua thêm một căn nhà và tậu thêm một chiếc xe hơi. Đâu ai bắt bạn làm việc tới kiệt sức, làm việc tới bán mạng để kiếm thêm tiền, để sắm thêm vàng. Tất cả đều là sự lựa chọn mang tính cá nhân của bạn.
Mọi tài nguyên trên Trái Đất này, từ đất, nước, không khí, khoáng sản cho tới tài sản vật chất không phải là vô hạn mà là hữu hạn, nhưng nó luôn có đủ cho tất cả mọi người – với điều kiện họ biết xài vừa đủ theo đúng nhu cầu của mình, không tham lam tích trữ một cách thừa mứa. Ngay cả với những người lao động sống một cuộc đời bình thường, họ vẫn đủ ăn đủ mặc đủ tiền rủng rỉnh mua sắm cái này cái kia. Nhưng khi họ khởi lên suy nghĩ không thấy đủ, muốn đổi chiếc xe, muốn mua cái nhà, muốn sắm đồ hiệu,… thì tự khắc họ sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn của sự đau khổ vì không biết đủ.
Không biết đủ có thể là động lực giúp con người ta phấn đấu đi lên cho một đời sống tốt đẹp hơn – từ đủ ăn, đủ mặc cho tới ăn ngon, mặc đẹp rồi tới ăn sang, mặc đồ hiệu, nhưng cũng có thể nhấn chìm người ta trong bể khổ của kiếp nhân sinh vì suốt ngày phải hùng hục như ngựa chạy đi kiếm tiền rồi tích trữ tài sản.
Khi chúng ta giảm bớt nhu cầu và ngừng cố gắng tìm kiếm những thứ mà chúng ta không thực sự cần, ta sẽ sống được một đời nhẹ nhàng, bình an mà không phải chạy theo bất cứ cuộc đua kim tiền nào. Lúc đó, ta sẽ có đủ năng lượng để dành sự quan tâm của mình cho việc trân trọng những tài sản ta đã có và bồi đắp thêm những phần ta đang khuyết thiếu ở mặt đời sống tinh thần.
“Biết đủ, là đủ, chờ cho đủ thì bao giờ mới đủ?
Biết nhàn, là nhàn, chờ cho nhàn thì bao giờ mới nhàn?”
(Nguyễn Công Trứ)